Sinh viên “đốt" tiền vì smartphone

22/05/2017 07:03

“Mình thích thì mình mua thôi”, với tâm lý này, nhiều sinh viên đã vung tiền vào cuộc đua công nghệ với những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất.



Nhiều sinh viên "mạnh tay" sắm những chiếc điện thoại mới nhất, "hot" nhất chỉ để khẳng định... đẳng cấp


Vất vả làm thêm để thay điện thoại

Dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhiều sinh viên đã sở hữu những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) thuộc hàng “hot” nhất trên thị trường hiện nay. Nhiều em là con của những người lao động bình thường, thậm chí con nhà nghèo. Để thoả mãn sở thích của bản thân, nhiều sinh viên đã chọn cách đi làm thêm để mua điện thoại cho “bằng bạn bằng bè”.

Em Nguyễn Văn Trực, sinh viên năm thứ hai của Trường Cao đẳng nghề Hải Dương là một trường hợp như thế. Bố mẹ Trực đều là nông dân ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà). Trực bắt đầu sử dụng điện thoại từ năm học lớp 10 với chiếc điện thoại đầu tiên là Sony Xperia TX, thời điểm đó có giá khoảng 4 triệu đồng. Từ đó đến năm lớp 12, cứ mỗi năm em đổi điện thoại 1 lần dù điện thoại cũ vẫn còn tốt, từ Sony Xperia TX đến iPhone 4,  iPhone 5. Cả ba chiếc điện thoại này em đều được bố mẹ mua cho. Sau khi đi học xa nhà, chi phí ăn học tốn kém hơn nên mỗi lần muốn đổi sang điện thoại đời mới hơn, Trực không dám xin tiền bố mẹ nữa mà đi làm thêm ở các quán cafe, karaoke. Trực cho biết: “Em thường đi làm từ 18 giờ 30 đến 1- 2 giờ sáng hôm sau, vì vậy nhiều hôm lên lớp em rất buồn ngủ. Thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, em tích cóp để mua điện thoại. Gần 1 năm đi làm em mới gom đủ tiền mua chiếc iPhone 6S với giá hơn 10 triệu đồng. Sau khi mua được điện thoại mới, em không đi làm thêm nữa”.

“Mạnh tay” chi hơn Trực, em Bùi Quang Đạt ở xã Lê Hồng (Thanh Miện) còn đổi gần chục chiếc smartphone trong cùng 1 năm. Đạt đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Hải Dương. Mẹ em làm thợ may, bố em đi xuất khẩu lao động. Năm học lớp 7, Đạt đã được sở hữu chiếc điện thoại Nokia N72 với giá thời điểm đó khoảng 5-6 triệu đồng. Sau đó đến năm lớp 10, em bắt đầu đi làm phục vụ quán ăn để tiết kiệm tiền mua smartphone Samsung Galaxy S II HD. Em dùng chiếc điện thoại này đến năm ngoái. Từ đó đến nay, em đổi nhiều smartphone như iPhone 6 bản 16GB, iPhone 6 bản 32GB, iPhone 6 bản 64GB, iPhone 6 Plus, iPhone 6S, iPhone 6S Plus. Để có tiền đổi điện thoại liên tục, Đạt đã phải làm nhiều công việc như bưng bê ở quán cafe, quán ăn… Giờ em đang làm thêm tại Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương. Đạt thường xuyên làm việc tại công ty bia từ 8-12 giờ/ngày. Công việc này đòi hỏi dậy sớm, về muộn nên rất vất vả. Có hôm Đạt phải đi làm từ 4 giờ sáng, nhiều hôm làm ca tối thì lúc ra về đã là 2 giờ đêm.

Chỉ để lướt web

Mỗi khi dùng chán, đổi chiếc điện thoại khác thì lại thêm 1 lần mất tiền, có khi vài trăm nghìn, có khi đến vài triệu đồng.


Dù sở hữu những chiếc smartphone hiện đại nhất, nhưng nhiều em sinh viên chủ yếu dùng điện thoại để sống "ảo", khoe mẽ với bạn bè chứ không phục vụ cho công việc, học tập. Em Nguyễn Tú Ninh ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đang là sinh viên một trường cao đẳng tại Hải Dương. Bố là công nhân, mẹ bán hàng tạp hóa nhỏ ở nhà nhưng Ninh đã đổi điện thoại đến 5-6 lần. Hiện tại em dùng iPhone 6 có giá gần chục triệu đồng. Em vừa xin bố mẹ, vừa kết hợp đi làm thêm nhiều việc như bán hàng, làm cơ khí để có tiền mua điện thoại. Hỏi lý do dùng iPhone, em cho biết: “Em thích iPhone vì trông nó sang hơn hẳn các loại điện thoại khác. Giờ em dùng điện thoại chủ yếu để chụp ảnh, liên lạc, lướt web, chơi điện tử, tán gẫu với bạn bè. Bố mẹ em thấy em đổi điện thoại nhiều lần cũng góp ý nhưng em không quan tâm. Sau này nếu có tiền thì em sẽ đổi lên điện thoại iPhone 7”.

Để chạy theo sở thích có được những chiếc điện thoại mới nhất, sành điệu nhất, nhiều sinh viên đã chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng. Em Bùi Quang Đạt cho biết thường dùng hàng “lướt” (những chiếc điện thoại đã qua sử dụng một thời gian ngắn nhưng hình thức, chất lượng thường vẫn còn mới, tốt). Dù vậy, mỗi chiếc iPhone 6, 6S, hay 6S Plus “lướt” đều có giá gần chục triệu đồng. “Mỗi khi dùng chán, đổi chiếc điện thoại khác thì lại thêm 1 lần mất tiền, có khi vài trăm nghìn, có khi đến vài triệu đồng”, Đạt cho biết.

Nhiều người không đồng tình với việc sinh viên vung tiền cho những chiếc smartphone sành điệu nhất. Chị Trịnh Ngọc Ánh, Trưởng Ban Thanh niên trường học (Tỉnh đoàn) cho biết trong thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ nên cập nhật các xu hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, việc chạy theo, lệ thuộc vào công nghệ là điều các bạn trẻ cần điều chỉnh lại. Một sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu liên lạc, học tập là cần thiết, nhưng nếu vượt quá khả năng tài chính, nhu cầu thực tế, nhằm thể hiện đẳng cấp là việc không nên.

“Các nhà trường, gia đình, đoàn thể cần tăng cường giáo dục lối sống giản dị, bồi đắp tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn cho thế hệ trẻ. Các bạn sinh viên cần xác định rõ nhiệm vụ chính khi ngồi trên ghế nhà trường là tập trung vào học tập để có một nền tảng vững chắc cho tương lai, không nên chạy theo những giá trị sống ảo mà tốn tiền vô ích, bỏ bê học tập”, chị Ánh chia sẻ.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên “đốt" tiền vì smartphone