Dịp lễ, Tết, mọi người thường có tâm lý vui vẻ, bớt kiểm soát trong việc ăn uống, đi lại, tham dự nhiều bữa tiệc. Đây là một trong những nguyên nhân có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ do các vấn đề tim mạch gây ra.
Đặc biệt, dịp Tết dương lịch và Tết âm lịch thời tiết thường rét đậm, thậm chí rét hại sẽ khiến nguy cơ này tăng hơn.
Bên cạnh đó, với thói quen trong dịp Tết, người Việt thường nạp vào cơ thể nhiều đường, cholesterol… Những chất trên tích tụ trong máu làm cho chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây “quá tải” ở động mạch, khiến máu lên não ứ đọng, tắc nghẽn gây ra đột quỵ… Ngoài ra, người dân còn có thói quen uống nhiều rượu bia vào dịp này. Uống rượu bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu, do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, làm huyết áp tăng cao, dễ đưa tới đột quỵ não. Tết là những ngày mà đồng hồ sinh học bị đảo lộn, giấc ngủ bị thay đổi… Việc mất ngủ, thiếu ngủ dẫn tới đau đầu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Một số lưu ý đề phòng đột quỵ:
- Nhận biết sớm biểu hiện của đột quỵ như tê yếu thậm chí là liệt tay chân, có thể kiểm tra bằng cách giơ hai tay, hai chân lên cao; thường xây xẩm, chóng mặt, đau đầu; méo miệng, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng; ngôn ngữ bất thường, giọng bị đơ đớ, khó hiểu...
- Đừng chủ quan cơn thiếu máu não "thoáng qua". Trong nhiều trường hợp, người có triệu chứng đột quỵ chỉ bị "thoáng qua", khoảng 1 giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe. Vì sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự vỡ (do kích thước nhỏ), hoặc mô não này có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên. Tuy nhiên, cứ 10 người có cơn thiếu máu não "thoáng qua" thì sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ thật sự trong một tuần kế tiếp.
- Nếu người nhà có biểu hiện đột quỵ thì cần giữ người bệnh nằm yên, tránh bị ngã, sau đó cho người bệnh nằm gối đầu cao 30 độ. Đưa người bệnh đến ngay các trung tâm có thể can thiệp đột quỵ não cấp tính để được xử lý kịp thời. Nếu người bệnh lơ mơ, hôn mê cần xem họ thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để bảo đảm đủ oxy cho tim và não.
- "Thời gian vàng" để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là trong vòng 6 giờ. Thời gian tốt nhất là trong vòng 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ.
- Tự uống thuốc hạ huyết áp là tự hại mình. Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu thì cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách "khơi thông" dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.
NT (tổng hợp)