Sinh hoạt chuyên môn liên trường được ngành giáo dục và đào tạo xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sinh hoạt chuyên môn liên trường giúp nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình mới. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt liên trường cấp tiểu học cụm chuyên môn số 2 ở huyện Tứ Kỳ (ảnh cơ sở cung cấp)
Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề liên trường, giáo viên được tháo gỡ những vướng mắc và có thêm kinh nghiệm giảng dạy chương trình mới hiệu quả hơn.
Tích lũy kinh nghiệm
Chiều 2.11, buổi sinh hoạt chuyên đề liên trường cụm số 3 tại Trường Tiểu học Đồng Cẩm (Kim Thành) diễn ra sôi nổi. Mở đầu buổi sinh hoạt là tiết dạy thực nghiệm môn toán lớp 3 của cô giáo Đồng Thị Hiền, Trường Tiểu học Đồng Cẩm. Tiếp đến, cô giáo Lương Thị Huyến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Hoà báo cáo về nội dung sinh hoạt chuyên đề. Sau phần này đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Thành và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thảo luận, đánh giá về tiết dạy, báo cáo chuyên đề. Giáo viên nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cũng như tham gia ý kiến để đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh. Cuối cùng, cô Phùng Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Tân tổng kết chuyên đề và định hướng phương pháp dạy chung.
Sinh hoạt chuyên đề liên trường là nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 mà ngành giáo dục và đào tạo đang tích cực chỉ đạo triển khai nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tại huyện Kim Thành, từ tháng 10 vừa qua, các cụm trường đã lần lượt tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề. Mỗi cụm có từ 5-6 trường, sinh hoạt theo từng nội dung chuyên đề khác nhau. Cụm số 3 gồm các Trường Tiểu học: Đồng Cẩm, Kim Tân, Tam Kỳ, Đại Đức, Bình Dân, Liên Hoà.
Thầy Nguyễn Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Cẩm cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học đã bước sang năm thứ 3. Dù đã có kinh nghiệm thực hiện ở lớp 1 và lớp 2 nhưng năm nay bắt đầu dạy đối với lớp 3. Mỗi lớp đều có đặc thù riêng nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. “Buổi sinh hoạt theo cụm là cơ hội để giáo viên bày tỏ quan điểm, những khó khăn hoặc kinh nghiệm hay trong giảng dạy. Từ đó, cùng phân tích, thảo luận, tháo gỡ những nút thắt để đi đến thống nhất phương pháp dạy tối ưu nhất”, thầy Hà nói.
Cô giáo Lê Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học Bình Dân chia sẻ: “Chương trình mới yêu cầu dạy tích hợp nhiều kiến thức của môn khác trong mỗi môn nên ban đầu tôi còn lúng túng chưa biết nên triển khai thế nào cho thật hiệu quả. Qua buổi sinh hoạt môn toán lớp 3 hôm nay, tôi đã biết cách đưa kiến thức môn tiếng Việt, tiếng Anh… vào mỗi bài toán để truyền tải tới học sinh một cách dễ hiểu và sinh động nhất. Qua những buổi sinh hoạt như này, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều về cách truyền đạt, phát huy năng lực học sinh cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm".
Tại huyện Tứ Kỳ, mỗi cấp tiểu học và THCS cũng được chia làm 4 cụm trường (mỗi cụm gồm 6-7 trường) thực hiện sinh hoạt chuyên đề từ tháng 10. Các trường THCS năm nay bắt đầu thực hiện chương trình mới đối với lớp 7. Khó khăn lớn nhất các trường đang gặp phải là giảng dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý. Do đó, các cụm trường tập trung sinh hoạt chuyên đề vào 2 môn tích hợp này và những môn có ít giáo viên.
Thầy Trần Quốc Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Đạo cho biết cụm các Trường THCS: Hưng Đạo, Đại Sơn, Ngọc Kỳ, Bình Lãng, Phan Bội Châu, Tái Sơn đã xây dựng chuyên đề sinh hoạt với những môn có ít giáo viên như môn tích hợp khoa học tự nhiên. Phân môn hóa học, trường chỉ có 1 giáo viên. Thông qua các buổi sinh hoạt liên trường, giáo viên được tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, đồng thời tích lũy thêm các phương pháp dạy tích cực theo chương trình mới.
Những buổi sinh hoạt liên trường giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn để thực hiện chương trình giáo dục mới tốt hơn
Phát huy trí tuệ tập thể
Không chỉ sinh hoạt cụm trường theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhiều nhóm trường cũng chủ động kết nối sinh hoạt chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Tin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hợp (Tứ Kỳ) cho biết, tại các buổi sinh hoạt liên trường, giáo viên chia sẻ những kinh nghiệm để thống nhất phương pháp dạy chung.
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Kim Thành và Tứ Kỳ khẳng định sinh hoạt liên trường theo cụm rất cần thiết và hiệu quả. Việc tích cực trao đổi, thảo luận trong và sau các đợt sinh hoạt chuyên đề đã phát huy trí tuệ tập thể giúp giáo viên tháo gỡ những vướng mắc, từ đó có sự thống nhất về nội dung, phương pháp giảng dạy. Các trường, giáo viên có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm cả về chuyên môn giảng dạy và công tác quản lý. Thông qua sinh hoạt chuyên đề của các cụm trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể nắm bắt những khó khăn để có những chỉ đạo, định hướng, điều chỉnh và đề xuất các giải pháp kịp thời giúp các trường, giáo viên thực hiện tốt chương trình mới.
Từ đầu năm học đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn liên trường, tích cực tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy sách giáo khoa mới. Các trường tăng cường sinh hoạt tổ nhóm, chuyên môn, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực…
THẾ ANH