Mặc dù tàu chở container Even Given đã thoát khỏi bờ kênh Suez, nhưng nó vẫn chưa thể tiếp tục hành trình vì bị “mắc kẹt” giữa cuộc tranh cãi ai phải trả tiền cho vụ tắc nghẽn mà nó gây ra.
Tàu Ever Given đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Getty Images
Tờ Business Insider đưa tin giới chức Ai Cập tuyên bố sẽ không thả con tàu khổng lồ từng chắn ngang hai bờ kênh đào Suez gần 1 tuần cho đến khi chủ tàu đồng ý nộp tiền bồi thường.
“Con tàu sẽ lưu lại đây cho đến khi hoàn tất điều tra và tiền bồi thường được nộp đủ”, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie trả lời một đài truyền hình địa phương vào cuối tuần trước. Ông bày tỏ hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận, đồng thời khẳng định: “Ngay sau khi họ đồng ý bồi thường, con tàu sẽ được tự do”.
Ông Rabie cho biết giới chức Ai Cập có thể yêu cầu trả số tiền lên đến 1 tỷ USD để bù đắp thiệt hại và trang trải kinh phí giải cứu siêu tàu container nặng 220 tấn trên. Khoản bồi thường này sẽ bao gồm chi phí thiết bị và máy móc cùng tiền công khoảng 800 người đã tham gia giải cứu tàu Ever Given, cũng như bồi thường thiệt hại cho chính con kênh.
Ngoài ra, nó cũng bao gồm chi phí cho việc gây tắc nghẽn con kênh, khiến trên 400 tàu thuyền phải xếp hàng chờ đợi trong thời gian 6 ngày. Tuy vậy, ông Osama Rabie không lý giải rõ cách tính toán để đưa ra con số 1 tỷ USD kể trên.
Theo công ty tài chính Revenitiv có trụ sở tại London, nhà nước Ai Cập đã mất nguồn thu phí vận chuyển trị giá 95 triệu USD vì sự cố tắc nghẽn. Hiện vẫn chưa rõ bên nào sẽ trả tiền cho yêu cầu bồi thường của Ai Cập.
Công ty Shoei Kisen Kaisha Ltd., chủ sở hữu của Ever Given tại Nhật Bản, nói với Wall Street Journal rằng họ chưa chính thức nhận được phản hồi từ chính quyền Ai Cập.
Trong khi đó, tờ Bloomberg dẫn lời ông Eric Hsieh, Chủ tịch của Evergreen Marine Corp, đơn vị thuê tàu Ever Given, cho biết công ty này không chịu trách nhiệm về việc hàng hóa bị chậm trễ vì nó sẽ được bảo hiểm thanh toán.
Tàu Ever Given dài 400 mét đã khiến cả thế giới chú ý vào ngày 23.3 sau khi một cơn bão sa mạc bất ngờ khiến nó chệch hướng và bị mắc kẹt trong các bãi cát của Kênh đào Suez, gây gián đoạn thương mại toàn cầu. Nó đã nổi trở lại mặt nước sau gần một tuần giải cứu căng thẳng.
Ai Cập đã mở một cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân khiến con tàu bị mắc kẹt. Con tàu cùng 25 thành viên thủy thủ đoàn người Ấn Độ và toàn bộ hàng hóa sẽ tiếp tục neo đậu tại hồ nhân tạo Great Bitter của Ai Cập cho đến khi kết thúc điều tra.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020.
Theo báo Tin tức