Siết chặt quản lý, xử lý người sử dụng ma túy trái phép

19/01/2022 09:37

Luật Phòng chống ma túy năm 2021 (thi hành từ ngày 1.1.2022) có nhiều quy định mới nhằm siết chặt việc quản lý, xử lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo quy định mới, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý ngay trong thời hạn 1 năm từ lần đầu bị phát hiện. Trong ảnh: Công an huyện Kim Thành kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều đối tượng hát và sử dụng ma túy tại các quán karaoke


Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), Luật Phòng chống ma túy năm 2021 quy định chặt chẽ, đầy đủ và có tính luật hóa cao các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Các quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng được xây dựng song hành, tương ứng với các quy định của luật.

Một trong những điểm mới và giúp cho công tác quản lý kịp thời, hiệu quả hơn là người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý ngay từ lần đầu phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn 1 năm theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã. Trong thời gian quản lý, người sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đột xuất theo yêu cầu của công an cấp xã khi có thông tin, tài liệu, căn cứ cho rằng người đó tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo nhận xét của nhiều cán bộ công an cấp xã, quy định xét nghiệm đột xuất khi thấy có đủ căn cứ đối với người tiếp tục sử dụng ma túy tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

Từ khi Luật Phòng chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, cơ quan công an các cấp, nhất là công an cấp xã tích cực bám sát địa bàn, quản lý các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đại úy Bùi Việt Trung, Trưởng Công an thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết thời gian qua, với đặc thù là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp về tệ nạn ma túy, đơn vị đã tiến hành sàng lọc, rà soát, lập hồ sơ toàn bộ các đối tượng sử dụng ma túy. Hiện thị trấn có 28 người nghiện và nghi nghiện, trong đó có 4 đối tượng đưa vào diện quản lý. Từ năm 2020 đến nay có 4 trường hợp được đưa đi cai nghiện bắt buộc, 1 trường hợp giáo dục tại địa bàn. Công an thị trấn phối hợp nắm bắt, quản lý chặt chẽ các trường hợp bằng nhiều hình thức như thăm hỏi, động viên, giáo dục, răn đe để người mới sử dụng ma túy từ bỏ, người nghiện sớm cai nghiện; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, giám sát trường hợp nghiện, có biểu hiện của tội phạm để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu không bình thường.

Theo quy định của luật mới, vai trò, trách nhiệm của chính quyền, công an cấp xã được nâng cao hơn trong việc quản lý, phát hiện, giám sát, lập hồ sơ giáo dục, cai nghiện. Theo đồng chí Trần Huy Hoàng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách, việc lập hồ sơ đưa người vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã rút ngắn hơn một khâu. Trước đây, UBND cấp xã lập hồ sơ rồi gửi Phòng Tư pháp cấp huyện thẩm định. Sau đó, chuyển cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, bước cuối cùng là chuyển đến Tòa án Nhân dân cấp huyện. Quy định hiện nay không còn bước chuyển đến Phòng Tư pháp cấp huyện thẩm định, sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và hoạt động đưa người đi cai nghiện bắt buộc cũng nhanh gọn hơn.

Công tác quản lý, xử lý người nghiện cũng được siết chặt hơn trước. Theo quy định mới, nếu thấy cần thiết để ngăn ngừa người bị quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có ý định hoặc bỏ trốn, cơ quan công an có thể quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính để thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Biện pháp này giúp chính quyền, cơ quan chức năng thêm giải pháp để xử lý những trường hợp không hợp tác, chống đối và có nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp đôi so với trước.

Hiện nay, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng sử dụng ma túy ở cơ sở còn gặp khó khăn. Theo quy định, chỉ những y bác sĩ chuyên khoa hoặc có chứng chỉ, được tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy mới có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Nhiều xã, phường, thị trấn hiện nay không có lực lượng y tế bảo đảm theo quy định để thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian qua, cơ quan công an các cấp đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, quán triệt các quy định về quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy đến các lực lượng liên quan. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cũng từng bước tuyên truyền, hướng dẫn đến nhân dân, cán bộ, hội viên.

Đồng chí Nguyễn Như Thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Nam Sách) cho biết thời gian qua, để làm tốt công tác phòng chống ma túy cũng như quản lý tốt đối tượng sử dụng ma túy, người nghiện, chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền đến nhân dân. Xã cử một cán bộ chuyên theo dõi người nghi nghiện và nghiện; tiến hành cảm hóa, phân loại, nếu trường hợp nào cần thiết sẽ cùng với gia đình động viên người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

DANH TRUNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt quản lý, xử lý người sử dụng ma túy trái phép