Siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

05/06/2017 06:58

Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.



Các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện hành
 còn nhiều bất cập. Trong ảnh: Công an huyện Thanh Hà kiểm kê vũ khí

Sau 6 năm thực hiện, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Tuy nhiên, trước yêu mới thì những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần tiếp tục được hoàn thiện.

Theo thượng úy Nguyễn Văn Dương, Phó Đội trưởng Đội quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh), hiện nay, việc sử dụng VK, VLN, CCHT còn nhiều diễn biến phức tạp, những thủ đoạn mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VK, VLN, CCHT ngày càng tinh vi, phức tạp, diễn biến khó lường. Tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển bằng nhiều hình thức như hàng không, qua khách du lịch, đường bộ, đường sắt, đường biển, internet... Một trong những nguyên nhân của tình trạng này do pháp luật chưa quy định đầy đủ.

Theo quy định hiện hành, một số loại VK, CCHT mới xuất hiện như súng bắn cồn chưa được quy định là VK, CCHT; một số loại súng săn, súng bắn đạn bi, súng tự chế, súng kíp và các loại khác có tính năng, tác dụng tương tự nhưng khi hỏng hóc, thiếu bộ phận thì không được coi là vũ khí... nên cũng chưa có chế tài xử lý đối với hành vi vận chuyển, mua bán đối với các loại này.

Cũng theo thượng úy Dương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các CCHT trong bảo đảm an ninh trật tự tại đơn vị nhưng do một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT không thống nhất, hạn chế việc sử dụng một số CCHT, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc trang bị vũ khí quân dụng cho các loại đối tượng đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Qua thực tiễn tổ chức thực hiện cho thấy có một số lực lượng, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng nhưng lâu ngày không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng; người được giao quản lý, bảo quản thì lo lắng vì hiện nay, với các hành vi làm hư hỏng VK, VLN, CCHT, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT bị phạt từ 2- 4 triệu đồng.

Đặc biệt, từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đến nay, việc thi hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT có thể được coi là vi hiến. Pháp lệnh hiện hành có nhiều nội dung hạn chế quyền cơ bản của công dân như quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng VK, CCHT (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); quy định về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, kinh doanh VK, VLN, CCHT (hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân).

Từ những bất cập trên, Quốc hội đã quyết định ban hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức ngày 14.2.2017, hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc ban hành luật là cần thiết. Bởi việc xây dựng dự án luật không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT hiện hành.

Theo ông Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, dự thảo luật đã bảo đảm tính kế thừa và phát huy tốt tác dụng của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Các quy định trong dự thảo luật đã siết chặt quản lý nhà nước đối với VK, VLN, CCHT, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, luật đã quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại VK, CCHT trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT nên xác định rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng VK, CCHT để hạn chế việc lợi dụng, xảy ra các vi phạm không cần thiết. "Luật cũng cần quy định kỹ hơn về vũ khí thô sơ, bởi hiện nay có rất nhiều loại dao được sử dụng rộng rãi trong chế biến thức ăn, tạo hình hoa quả có thể được sử dụng làm hung khí giết người nhưng không được coi là vũ khí thô sơ… Quy định chung chung như trong dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước", thượng úy Nguyễn Văn Dương đề nghị.

HOÀNG NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ