Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa

28/11/2013 03:31

Ngày 27-11, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 30. Buổi sáng, QH thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện với đa số phiếu tán thành.



Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công


 Sau đó, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.


Các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi luật hiện hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị dự thảo Luật cần tính kỹ đến điều kiện vùng miền, bởi mỗi nơi giao thông đường thủy nội địa có đặc thù khác nhau, hành lang giao thông đường thủy khác nhau, không thể áp dụng chung các quy định, thậm chí cần có những quy định mang tính nguyên tắc đối với các vùng miền và nên giao Chính phủ quy định cụ thể nguyên tắc này. Đại biểu Hoàng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ về tập quán hoạt động đường thủy nội địa cho sát thực tế hơn, một số điều khoản nếu không tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ khó khả thi.

Đánh giá việc phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa trên một địa bàn có quá nhiều cơ quan quản lý, gây chồng chéo và khó khăn trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) dẫn giải tại địa phương này. Theo đại biểu Thiện, Cục Hàng hải quản lý 7 tuyến sông cho tàu biển ra vào dài 176 km. Cục Đường thủy nội địa quản lý 16 tuyến đường thủy nội địa, dài 252 km. Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh quản lý 87 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 574 km. Như vậy, trên cùng một địa bàn, việc phân cấp rất manh mún, trách nhiệm quản lý lại chồng chéo. Đại biểu Thiện đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung quản lý nào thuộc bộ, ngành; nội dung quản lý nào thuộc địa phương và cần giao công tác quản lý vận tải thủy nội địa trên địa bàn sông rạch một địa phương cho chính quyền địa phương đó quản lý.

Về quy hoạch quản lý khai thác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nội dung này cần cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đại biểu Vẻ đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các quy định quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lưu vực sông, phù hợp với các quy định khác có liên quan và bảo đảm an ninh quốc phòng; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm công bố quy hoạch và quyết định việc điều hành quy hoạch, quy hoạch được công bố công khai đến cấp xã.

Trước tình trạng gần đây xảy ra một số vụ chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo Luật mới đề cập chưa đầy đủ đến khái niệm và tình huống cứu nạn, đặc biệt là cứu người trong bối cảnh tình trạng tai nạn giao thông đường thủy diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đại biểu Thiện đề nghị bổ sung một số nội dung như nguyên tắc tham gia hoạt động cứu nạn, lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ, cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề xuất cân nhắc bổ sung chức năng nhiệm vụ, phát triển lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, trong đó có chức năng cứu hộ, cứu nạn đường thủy nội địa. Trường hợp chưa xây dựng được cần quy định cụ thể chức năng chính trong việc chủ trì hoạt động cứu hộ, cứu nạn theo từng khu vực và quy định tất cả lực lượng, phương tiện phải có trách nhiệm tham gia cứu người khi xảy ra tai nạn. Đại biểu Thường đề nghị cần quy định số điện thoại cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

Chiều 27-11, với gần 90% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp, bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết nêu rõ, người đứng đầu chính quyền và Công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, không để xảy ra tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận...

Cũng trong chiều 27-11, QH thảo luận về Luật Đầu tư công. Đa số ý kiến đại biểu QH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật này. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá Dự án Luật Đầu tư công đã cơ bản xây dựng được một bộ khung với trình tự, các bước thủ tục, phân cấp quyết định đầu tư và kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình đầu tư công. Đặc biệt, Dự án Luật đã quy định rõ trách nhiệm của người quyết định ngay từ khâu lập, phê duyệt chủ trương đầu tư. Trách nhiệm này còn được kiểm soát bằng các điều kiện quy định rõ ràng, mang tính bắt buộc trước khi phê duyệt.
Thảo luận về 14 hành vi bị cấm trong Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị, cần ghép khoản 4 và 5 của điều 10 để tránh sự trùng lặp về nội dung và làm rõ các hành vi bị cấm. Cho rằng đầu tư công có hai mục tiêu là lợi nhuận và phi lợi nhuận nên rất dễ bị lạm dụng, khi có lãi thì coi là đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận, còn khi lỗ thì bị coi là đầu tư phi lợi nhuận, đại biểu Hồng Hà đề nghị cần bổ sung một hành vi nữa bị cấm trong Dự Luật đó là cố tình tính toán sai, gian lận trong hạch toán đầu tư công vì mục tiêu lợi nhuận và không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm trục lợi cho cá nhân và đơn vị thực hiện đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát với nhiều nguyên nhân khác nhau, như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... Nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công...

Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu QH còn đi sâu phân tích về nhiều nội dung quan trọng của Dự Luật gồm: chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, điều kiện và đối tượng chương trình, dự án đầu tư công được ghi vốn kế hoạch đầu tư hằng năm, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công...

TTXVN - NA


(0) Bình luận
Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa