Trong bối cảnh thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách siết chặt chi những tháng cuối năm.
Nhiều khoản thu từ khu vực doanh nghiệp bị sụt giảm dẫn đến kết quả thu ngân sách của tỉnh 8 tháng qua đạt thấp. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may ở Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương)
Thu khó
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, hết tháng 8, thu nội địa của tỉnh mới đạt 9.033 tỷ đồng, bằng 66,2% dự toán, thấp hơn 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu trừ tiền sử dụng đất, xổ số và lợi nhuận được chia, thu nội địa mới đạt 6.005 tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán, giảm tới 19%.
Hiện mới có 5 khoản thu tăng so với cùng kỳ là thu tiền sử dụng đất 2.998 tỷ đồng (tăng 10%), thuế thu nhập cá nhân 663,6 tỷ đồng (10,5%), thuế bảo vệ môi trường 613,6 tỷ đồng (81,6%), thu từ xổ số kiến thiết 27,7 tỷ đồng (5,6%), thu từ lợi nhuận và cổ tức được chia 2,05 tỷ đồng (119,5%). Nhiều khoản thu lớn lại thấp hơn cùng kỳ như khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước Trung ương mới đạt 516,3 tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch, giảm 18,3%; khu vực DN ngoài quốc doanh 1.257 tỷ đồng, bằng 41,9%, giảm 33%; khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.077 tỷ đồng, bằng 45,1%, giảm 29,1%. Nguyên nhân do nhiều DN được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch bệnh.
Ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết trước những khó khăn trong thu ngân sách do tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Để hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, ngành thuế đã dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm thuế. Ngành thuế cũng dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Dự báo năm 2020, ngân sách tỉnh sẽ hụt thu từ 1.700 - 1.800 tỷ đồng. Đây là số hụt thu rất lớn, tác động trực tiếp tới kế hoạch chi ngân sách.
Cắt giảm kinh phí tổ chức hội nghị, hội chợ, sự kiện góp phần tiết kiệm ngân sách trong bối cảnh nguồn thu gặp khó. Ảnh tư liệu
Cắt giảm một số khoản chi không cấp thiết
Căn cứ tình hình thực tế thu ngân sách những tháng đầu năm 2020, Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 25.7.2020 của HĐND tỉnh khóa XVI, Kỳ họp thứ 13 đề nghị UBND tỉnh có phương án cắt giảm 20% dự phòng ngân sách cấp tỉnh trong dự toán ngân sách năm 2020. Rà soát cắt giảm một số công việc sử dụng kinh phí thường xuyên đã bố trí cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa triển khai và không cấp thiết, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết, sự nghiệp quy hoạch, y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, khoa học công nghệ. Tạm dừng, giãn tiến độ chi thực hiện các đề án như giao thông nông thôn, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Tiết kiệm thêm 15% chi thường xuyên khác còn lại 6 tháng cuối năm, trong đó đã bao gồm tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác 6 tháng cuối năm 2020 theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ và tiết kiệm thêm 5% theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVI. Giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước ở tất cả các đơn vị thụ hưởng ngân sách.
Trưởng Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính) Đinh Quang Cường cho biết thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh rà soát, tạm dừng, cắt giảm một số công việc sử dụng kinh phí thường xuyên đã bố trí trong dự toán năm 2020 nhưng chưa triển khai, không cấp thiết còn lại cuối năm 2020, nhất là kinh phí mua sắm chưa thực sự cần thiết, trừ kinh phí phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng…
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính chủ động rà soát cắt giảm 20% dự phòng ngân sách cấp tỉnh trong dự toán ngân sách 2020. Sử dụng 50% kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2019 theo quy định. Tạm thời giữ lại, chưa phân bổ phần tăng thu tiền sử dụng đất ở cả 3 cấp ngân sách so với dự toán được HĐND, UBND tỉnh giao theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVI.
Thời điểm này chưa có con số cụ thể về tiết kiệm chi theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ước tính tiết kiệm 10% chi thường xuyên 6 tháng còn lại ngân sách cấp tỉnh khoảng 19,5 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã khoảng 9,7 tỷ đồng; giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước ngân sách cấp huyện, xã khoảng 2,3 tỷ đồng. Siết chặt chi ngân sách chắc chắn ảnh hưởng đến các hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng triển khai các giải pháp tăng thu để bù đắp thiếu hụt của chính quyền các địa phương. Các biện pháp siết chặt chi cũng buộc các địa phương có trách nhiệm hơn trong điều hành ngân sách, tránh chi tiêu lãng phí, hình thức.
VỊ THỦY