Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 9.8 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ một người đàn ông tên Thomas H, chuyên gia mua sắm quân sự trong quân đội nước này.
“Hôm nay, Công tố viên Liên bang đã bắt giữ một sĩ quan Đức, người bị nghi ngờ làm việc cho một cơ quan mật vụ nước ngoài”, Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann viết trên X (tên mới của Twitter).
Theo tuyên bố của công tố viên, người đàn ông này đã tiếp cận lãnh sự quán Nga ở thành phố Bonn và đại sứ quán Nga ở thủ đô Berlin nhiều lần kể từ tháng 5 để “đề nghị hợp tác”. Các công tố viên cho biết rằng anh ta đã bàn giao thông tin từ nơi làm việc của mình, thông tin này được cho là đã được chuyển tới các đặc vụ Nga.
Tuy nhiên, văn phòng công tố viên không chia sẻ cụ thể về chi tiết thông tin này và liệu nó đã được bất kỳ cơ quan tình báo hoặc an ninh Nga nào nhận được hay chưa.
Giới chức Đức đã nhiều lần cảnh báo về hoạt động gián điệp gia tăng của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Tháng 4.2022, Berlin đã trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga vào với các cáo buộc gián điệp. Bộ Ngoại giao Nga gọi những cáo buộc này là không thể chấp nhận được và đáp trả bằng cách trục xuất 40 nhà ngoại giao Đức khỏi Nga.
Thomas H là người Đức thứ ba bị cáo buộc thực hiện hoạt động gián điệp cho điện Kremlin trong vòng chưa đầy một năm. Trước đó, vào tháng 12/2022, cảnh sát Đức đã bắt giữ một nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) và buộc tội anh ta tội phản quốc vì đã tiết lộ bí mật nhà nước cho Moskva.
Điệp viên hai mang này cũng bị buộc tội chuyển tiếp thông tin mật cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và bị kết án 8 năm tù. Đồng phạm của anh ta đã bị bắt vào tháng 1.2023 và nhận cáo buộc giúp chuyển tài liệu tình báo đến điện Kremlin.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Đức là quốc gia châu Âu ủng hộ nhiệt thành nhất tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Nga, quốc gia cung cấp hơn nửa lượng khí đốt mà nước này tiêu thụ. Tuy nhiên, quan hệ Berlin - Moskva bị thu hẹp đáng kể sau khi Đức cùng loạt đồng minh phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Berlin còn là bên tích cực hỗ trợ Ukraine trong xung đột khi chuyển cho nước này loạt thiết bị quân sự như pháo phòng không tự hành Gepard, lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và một số loại vũ khí khác
Theo VTC