Do "mức lương cơ sở" sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, nên Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định về khái niệm "mức tham chiếu", thay cho "mức lương cơ sở".
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình và chỉnh lý có những nội dung lớn sau đây:
Thay thế "lương cơ sở" bằng "mức tham chiếu"
Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định về khái niệm "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở" để làm căn cứ và bổ sung quy định về nội dung trong dự thảo Luật.
Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá tác động, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu để thực hiện từ ngày 1/7/2024, khi cải cách tiền lương, cũng như khi Luật có hiệu lực.
Đơn vị này cũng yêu cầu rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách pháp luật có liên quan đến "mức lương cơ sở" sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương.
Từ đó, sẽ trình ban hành quy định mới theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bảo hiểm xã hội một lần
Dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần với hai phương án.
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm
Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Tức là, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
So với quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung một số quyền lợi, đó là, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi) và các quyền lợi bổ sung khác trong thời gian này (được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng....
Trường hợp người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng, thì vẫn được quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng sẽ mất đi cơ hội được hưởng trợ cấp hằng tháng cùng các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, cụ thể: Bổ sung tại khoản 10 và khoản 11 của Điều 4 nội dung giải thích từ ngữ về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Bổ sung quy định “Từ ngày 1 tháng 1 năm 2026 thực hiện cấp số bảo hiểm xã hội bằng bản điện tử cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Sổ bảo hiểm xã hội bằng bản giấy chỉ được cấp khi người lao động yêu cầu” vào khoản 2 Điều 24; Bổ sung Điều 25 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Bổ sung vào khoản 1 Điều 17 quy định trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Chính phủ trình quy định "chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh" là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng chỉ quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với "chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh".
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật theo hướng "đối tượng là chủ hộ kinh doanh đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định".
Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản để kịp thời giải quyết chế độ đối với các đối tượng này trong thời gian Luật chưa có hiệu lực để bảo đảm quyền lợi của các chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc từ trước ngày Luật này có hiệu lực.