Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại buổi tọa đàm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi việc làm” sáng 3.3.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Theo ông Đào Ngọc Dung, việc các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp chỉ tuyển công nhân dưới 35 tuổi, trong đó có nhiều lao động nữ thời gian qua; đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các lao động nữ.
“Do đó, trong dự kiến sửa Luật Lao động tới đây, Bộ LĐTBXH sẽ đưa ra cơ chế, chế tài để xử lý vấn đề này”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐTBXH, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong việc giảm mức độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực.
Cụ thể, trong Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia xếp hạng, thứ 7 tại khu vực Châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Theo thứ hạng này, thì Việt Nam đứng thứ 33 trong lĩnh vực kinh tế, 84 trong lĩnh vực tham chính, 93 trong lĩnh vực giáo dục, 138 trong lĩnh vực y tế.
Để có được kết quả trên, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai chính sách luật pháp về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm.
Cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm khoảng 48,48% và năm 2016, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%. Như vậy, Việt Nam đạt đã chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là “Hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới”.
Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm tại Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao, như: dịch vụ, dệt may, da giày (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này).
Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, cụ thể: 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số hơn 1,1 triệungười trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
Tại buổi tọa đàm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi việc làm”, các chuyên gia trong lĩnh vực giới, lao động việc làm đề xuất các chính sách liên quan đến quyền năng kinh tế và quyền làm việc của phụ nữ và các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực phi chính thức và chính thức.
“Các đề xuất tại buổi tọa đàm sẽ là cơ sở đề xuất chính sách cho công tác bình đẳng giới trong lao động việc làm tại Việt Nam, hướng tới Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với các chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới và trao quyền kinh tế của phụ nữ”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.