Bộ Tài chính, Bộ Công an và NHNN sẽ ban hành thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính qua ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục nộp phạt trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Theo quy trình hiện nay, người vi phạm Luật Giao thông phải mất thời gian đi lại để đóng phạt, nhận lại giấy tờ. Trong ảnh: CSGT lập biên bản đối với một trường hợp vi phạm Luật Giao thông tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Đó là những nội dung công điện của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, ban hành chiều 23-10, gửi các Bộ GTVT, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội và TP.HCM triển khai các biện pháp để giảm ùn tắc giao thông.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian gần đây, ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM.
Nguyên nhân của các vụ ùn tắc giao thông là sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới cá nhân, sự bất cập về năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng, đặc biệt là sự gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng ôtô khi trời mưa, sự suy giảm năng lực thông hành của một số tuyến đường do bị úng ngập cục bộ hoặc có các công trình trọng điểm đang thi công... trong khi không có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông phù hợp.
Phó Thủ tướng đề nghị: UBND TP Hà Nội và TP.HCM điều chỉnh phương án tổ chức thi công, giảm thiểu việc chiếm dụng lòng đường để tổ chức thi công; tại những đoạn tuyến, nút giao có nhu cầu đi lại lớn, cần giải phóng lòng đường ưu tiên cho phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm, tổ chức thi công vào ban đêm, trong các khung giờ thấp điểm; không để tình trạng dự án chiếm dụng lòng đường mà không tổ chức thi công.
Khẩn trương công bố bản đồ về địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng ngập úng do triều cường; bổ sung thông tin dự báo về các khu vực, các tuyến đường nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ theo lưu lượng mưa.
Điều chỉnh lộ trình, tần suất hợp lý của các tuyến xe buýt để tránh các khu vực bắt buộc phải thu hẹp lòng đường để tổ chức thi công hoặc do ngập úng cục bộ nhưng vẫn bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin cập nhật kịp thời về tình hình giao thông, các phương án di chuyển tránh khu vực ùn tắc giao thông đến đông đảo người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại di động và mạng xã hội.
Tổ chức giao thông hợp lý với các giải pháp tối ưu hóa đèn tín hiệu; phân làn, phân luồng phù hợp với cơ cấu phương tiện giao thông trên đường (chú trọng đến tỷ lệ ôtô, xe máy); giảm thiểu việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe cá nhân trong các khung giờ cao điểm, trên các tuyến đường có nhu cầu giao thông lớn; có phương án tổ chức giao thông chi tiết cho các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, số 16/2008/NQ-CP, số 88/NQ-CP mà Chính phủ đã ban hành.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an Hà Nội và TP.HCM tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, gây ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm trật tự ATGT; kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm và tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông.
Bộ GTVT tổ chức kiểm tra, đôn đốc hai thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các nghị quyết và văn bản của Chính phủ.
TUẤN PHÙNG (Tuổi trẻ)