Sẽ không còn phải mua đầu thu

31/03/2013 14:32

Từ ngày 1-4-2014, tivi màn hình tinh thể lỏng như LCD, LED... tại VN phải tích hợp thiết bị thu kỹ thuật số. Đó là một phần lộ trình số hóa truyền hình đến năm 2020.



Khách hàng tìm hiểu một loại tivi có tích hợp đầu thu kỹ thuật số ở siêu thị điện máy Thiên Hòa (TP.HCM)- Ảnh: H.T.Vân

Việc này giúp người xem truyền hình kỹ thuật số mặt đất sẽ không phải nhức đầu lựa chọn thêm đầu thu trong mê hồn trận thiết bị đầu thu đang có trên thị trường.

Hãng sợ giá thành cao, hãng không tăng giá

Theo thông tư 07/2013 của Bộ Thông tin - truyền thông, bắt đầu từ ngày 1-4-2014, tất cả các loại tivi có kích thước màn hình từ 32 inch trở lên sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại VN phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty điện tử Samsung - Vina, cho biết lộ trình trên lẽ ra bắt đầu thực hiện từ năm 2013 nhưng khi Bộ Thông tin - truyền thông lấy ý kiến, các nhà sản xuất đã xin khất thêm một năm để có thời gian chuẩn bị nâng cấp dây chuyền sản xuất, công nghệ. Hiện nay ở VN, tín hiệu truyền hình chủ yếu là công nghệ analog (công nghệ tương tự) nên hầu như các dòng tivi có trên thị trường không có sẵn chức năng  kỹ thuật số vì đưa vào sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao nên chỉ những dòng tivi cao cấp mới có.

Trong khi đó, 14/20 chủng loại tivi Sony hiện có trên thị trường VN đã tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Theo bà Nguyễn Phan Hoài Phương - đại diện truyền thông của Sony Electronic VN, người tiêu dùng có thể nhận diện loại tivi này bằng ký hiệu KDL trên tên các dòng tivi. Thực tế những chiếc tivi tích hợp chức năng này đã được Sony đưa vào bán ở VN từ năm 2005 và đến ngày 1-4-2014, toàn bộ tivi có trên thị trường VN của Sony sẽ tích hợp chức năng thu kỹ thuật số mặt đất với giá bán không tăng. Tuy nhiên, Sony sẽ phải làm việc với các nhà đài tại VN về chuẩn giải mã để bảo đảm người dùng có thể khai thác tính năng này của tivi.

Nhà đài rục rịch

Ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp TP.HCM (HTVC), cho biết quy định tivi phải có chức năng thu truyền hình số mặt đất là một bước trong kế hoạch số hóa truyền hình. Công nghệ số sẽ tránh được can nhiễu, cho chất lượng hình ảnh đẹp hơn, tiết kiệm được tài nguyên quốc gia như một tần số có thể phát được tới tám kênh truyền hình và tivi sẽ xem được nhiều chương trình hơn. HTVC đang chuẩn bị dần lộ trình chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số, trong thời gian đầu khách hàng sử dụng tivi bình thường cũng có thể xem được truyền hình kỹ thuật số nếu sử dụng kèm thiết bị đầu thu.

Ông Hoàng Lê Sơn, Giám đốc Công ty VTC dịch vụ truyền hình số, cho biết VTC theo định hướng phát triển truyền hình quảng bá, không mã hóa các kênh truyền hình nên các thiết bị thu theo chuẩn DVB-T2 đều thu được tín hiệu của VTC. Hiện nay, VTC đang có 47 trạm phát sóng theo chuẩn DVB-T phủ sóng trên 50 tỉnh thành cả nước và sẽ tính toán thời điểm phù hợp để nâng cấp công nghệ lên DVB-T2 vì khi phát bằng công nghệ này, vài triệu người dùng đầu thu thế hệ đầu DVB-T sẽ không xem được, dẫn đến lãng phí xã hội rất lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tài chính cho quá trình chuyển đổi này đối với các đài truyền hình quảng bá như VTV, HTV là dùng ngân sách đài hoặc Chính phủ, nhưng với các công ty truyền hình trả tiền là một bài toán kinh doanh cần tính toán kỹ. Trong đó, vấn đề quan tâm nhất là nội dung chương trình để thu hút khách hàng chứ không phải tivi có chức năng thu kỹ thuật số sẽ làm nhà đài giảm doanh số từ việc bán đầu thu.

Bài toán mới giải một nửa

Ông Lê Văn Khương, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật truyền hình, băn khoăn về tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu âm thanh và hình ảnh. Ông nói nếu chỉ quy định bắt buộc hai tiêu chuẩn này mà thiếu quy định về chuẩn khóa mã tín hiệu thì coi chừng người dân lại phải mua thêm thiết bị giải mã kênh truyền hình và nhà sản xuất tivi cũng mệt mỏi khi phải làm việc với từng nhà đài để xem họ dùng mã khóa bảo mật nào để giải mã cho đúng.

Hiện Nhà nước chưa quy định nhà đài có khóa mã hay không và chọn theo chuẩn nào trong rất nhiều chuẩn. Trước mắt, với quy định này có lẽ người thiệt nhất là nhà sản xuất tivi vì họ phải giải bài toán giá thành sản phẩm khi thêm tính năng thu kỹ thuật số. Với các đài truyền hình trả tiền như AVG, chắc chắn họ sẽ khóa các chương trình để lấy chi phí bù đầu tư cơ sở hạ tầng. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có quy định tiếp theo rõ ràng hơn như về mặt công nghệ, tivi sẽ phải có điểm chung nào để sau này, khách hàng có thể cắm bất kỳ thẻ giải mã của nhà đài nào vào cũng dùng được, và nhà đài phải theo một chuẩn mã nào đó để bất kỳ tivi nào cũng có thể xem. Như thế mới thật sự mang lại lợi ích cho xã hội.

Tivi đèn hình vẫn sử dụng được

Bản thân mỗi tivi cũng đã là một thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, nhưng với các tivi cũ dùng công nghệ analog (dùng đèn hình CRT) thì chỉ có thể giải mã các tín hiệu dùng kỹ thuật tương tự (analog). Do đó, với các tín hiệu truyền hình được phát theo các dạng kỹ thuật số như: kỹ thuật số vệ tinh (chuẩn DVB-S), kỹ thuật số trên cáp (chuẩn DVB-S, DVB-S2), kỹ thuật số mặt đất (chuẩn DVB-T, DVB-T2), người dùng muốn xem phải mua set-top box (đầu thu kỹ thuật số) tương ứng mới có thể giải mã và xem được trên các loại tivi analog. Khi đó set-top box sẽ giải mã tín hiệu truyền hình, chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình.

Nhiều đài đã phát kỹ thuật số mặt đất

Một chuyên gia trong ngành truyền hình giải thích: DVB-T2 là chuẩn truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ thứ hai. DVB-T2 sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới như từ đó làm tăng độ tin cậy của kênh truyền, tăng dung lượng truyền dẫn, hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số cao hơn. Trên thực tế DVB-T2 có khả năng truyền tải dung lượng lớn hơn DVB-T đến gần 50% với mạng đa tần (MFN) và có thể còn cao hơn với mạng đơn tần (SFN). DVB-T2 cũng phù hợp với việc phát sóng truyền hình độ nét cao HDTV.

Về chi phí, hiện nay giá thành máy phát DVB-T2 lẫn đầu thu (set-top box) đã giảm đáng kể và gần tương đương với thiết bị tương ứng theo chuẩn thế hệ đầu DVB-T.

Tại VN, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC là đơn vị đầu tiên phát sóng kỹ thuật số mặt đất, nhưng sử dụng tiêu chuẩn DVB-T. VTC đã có kế hoạch triển khai phát sóng truyền hình số tiêu chuẩn DVB-T2 và dần chuyển đổi hoàn toàn công nghệ sang DVB-T2. Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG đang triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 với mạng đơn tần. Đài truyền hình VN cũng đã quyết định sử dụng tiêu chuẩn DVB-T2 và đã phát sóng chính thức tại Hà Nội và TP.HCM từ đầu năm 2013. Hiện nay đã có nhiều nhà đài khác phát sóng kỹ thuật số như AVG, Bình Dương…

Nguồn(Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ không còn phải mua đầu thu