Sẽ có “cơn giông bão lớn” trong quan hệ Anh - Trung Quốc?

17/07/2020 13:07

Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang diễn biến theo chiều hướng xấu liên quan đến Tập đoàn công nghệ Huawei và Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Mối căng thẳng này diễn biến ra sao trong thời gian tới là vấn đề được dư luận quan tâm.


Quan hệ Anh-Trung Quốc đang xấu đi sau khi Chính phủ Anh chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) từ Huawei kể từ đầu năm tới

Lập trường cứng rắn của Anh

Chính phủ Anh ngày 14.7 đã chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông nước này không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) từ Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc kể từ đầu năm tới. Chỉ thị cũng yêu cầu loại bỏ toàn bộ các thiết bị của Huawei vào năm 2027. Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh Oliver Dowden nhấn mạnh đây là một quyết định "không dễ dàng" do điều này khiến việc triển khai mạng 5G bị chậm 2-3 năm và chi phí sẽ bị đội lên 2 tỷ bảng (2,5 tỷ USD). Động thái trên của Anh được cho là chịu sức ép của Mỹ lâu nay luôn hối thúc các đồng minh loại bỏ các thiết bị của Huawei khỏi mạng viễn thông với lý do có nguy cơ gây rủi ro an ninh quốc gia.

Phản ứng sau động thái của London, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh ngày 15.7 cho rằng quyết định này là "đáng thất vọng và sai lầm". Về phần mình, Huawei kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại lệnh cấm. Người phát ngôn Huawei tại Anh Ed Brewster bày tỏ "thất vọng" về quyết định trên, cho rằng động thái này là do sức ép từ Mỹ chứ không phải từ quan ngại về an ninh.

Trước đó, vào tháng 1.2020, Anh đã quyết định hạn chế thị phần của Huawei trong cơ sở hạ tầng ngoại vi của mạng 5G ở mức 35%, đồng thời coi công ty này là "nhà cung cấp mang lại rủi ro cao" và cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong các phần cốt lõi của mạng 5G, gồm tình báo, quân sự và các cơ sở hạt nhân. 

Sau khi Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong được Bắc Kinh ban hành vào cuối tháng 6.2020, phía Anh hồi đầu tháng 7.2020 đã thay đổi các quy định nhập cư, mở đường cho 2,9 triệu người từ Hong Kong mang hộ chiếu công dân hải ngoại của Anh (BNO) đến định cư và nhập quốc tịch Anh. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Luật An ninh Hong Kong được xây dựng để "duy trì vững chắc chính sách “một nước, hai chế độ” cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong".

Theo các nhà phân tích, có nhiều yếu tố dẫn đến lập trường cứng rắn của Anh. Yếu tố đầu tiên chính là các chính sách của Trung Quốc. Anh cho rằng Trung Quốc đã vi phạm hiệp ước mà hai bên đạt được vào năm 1997 khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, hiệp ước bảo đảm các quyền và sự tự do của khu hành chính đặc biệt này. Một yếu tố nữa là áp lực đòi cấm Huawei từ phía Mỹ và Australia, những đồng minh của Anh trong liên minh tình báo Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) và cũng là những nước mà Anh đang hy vọng sẽ nhanh chóng ký kết được các thỏa thuận thương mại.

Khó đối đầu trong dài hạn

Bình luận về những diễn biến trên, Charles Parton - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách RUSI, nhà ngoại giao từng có 22 năm làm việc về vấn đề Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), dự đoán sắp tới sẽ là “một cơn giông bão lớn” trong quan hệ Anh-Trung. Và nạn nhân chính là kim ngạch thương mại Anh-Trung hằng năm trị giá 68 tỷ bảng Anh và hàng tỷ bảng đầu tư từ Trung Quốc. Trung Quốc có thể sẽ tung các cú đòn ngoại giao nhằm vào Anh, chẳng hạn như đe dọa cắt giảm đầu tư và xuất khẩu sang Anh, hạn chế du lịch và thậm chí là cả lượng sinh viên sang Anh học tập. 

Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford Rana Mitter cũng chia sẻ quan điểm cho rằng quyết định liên quan đến Huawei của Anh chịu ảnh hưởng từ các diễn biến mới tại Hong Kong và sẽ dẫn đến phản ứng “cực kỳ gay gắt” từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng quyết tâm biến những đe dọa này thành hành động trên mặt trận kinh tế của Trung Quốc lớn tới đâu vẫn là điều cần phải chờ xem. Bởi không thể phủ nhận tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Trung tâm tài chính London cũng như sự quan tâm của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với các trường đại học tại Anh…

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư Lý Minh Giang của Học viện Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) cho rằng Chính phủ Anh buộc phải gây sức ép với Trung Quốc về chính trị, ngoại giao và dư luận, cùng với thái độ kiên quyết của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, quan hệ hai nước chắc chắn vì thế sẽ xấu đi. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Anh về cơ bản không giống với quan hệ Trung-Mỹ. Washington đang cố gắng kiềm hãm đà trỗi dậy của Bắc Kinh, trong khi London không có động cơ chiến lược như vậy. Nguyện vọng của Anh hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại cũng rất mạnh, nên họ khó có khả năng giữ được “phong thái cao” như Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc về dài hạn.

MINH TRÀ(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ có “cơn giông bão lớn” trong quan hệ Anh - Trung Quốc?