Người dân có quyền giám sát, ghi hình lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ với điều kiện việc ghi hình đó không gây cản trở hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm.
Trung tá Huỳnh Trung Phong trao đổi thông tin với báo chí chiều 22.9. Ảnh: SƠN BÌNH
Đó là khẳng định của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Phòng CSGT) khi trao đổi với báo chí chiều 22.9 xung quanh những thông tin liên quan đến hoạt động của lực lượng CSGT thời gian qua.
Ông Phong khẳng định lãnh đạo Phòng CSGT tiếp nhận thông tin phản ảnh về những sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sĩ với tinh thần cầu thị.
Nhóm CSGT Tân Sơn Nhất "tách tốp"?
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, ngay trong ngày báo Tuổi Trẻ đăng bài và clip CSGT "Làm tiền ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất" (7.9.2017), Phòng CSGT đã yêu cầu Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra và xác định danh tính các cán bộ chiến sĩ liên quan.
Ba cán bộ, chiến sĩ gồm thượng úy Nguyễn Thịnh Phú, thượng úy Nguyễn Minh Hải và trung úy Trịnh Xuân Phúc đã tường trình xác nhận mình là người được Tuổi Trẻ phản ánh trong clip.
"Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác ba cán bộ chiến sĩ này để tiến hành xác minh mức độ vi phạm. Nhằm bảo đảm tính khách quan, Phòng CSGT đã kiến nghị ban giám đốc Công an TP giao thanh tra Công an TP chủ trì việc xác minh, xử lý vi phạm. Công việc này đang được tổ công tác của thanh tra Công an TP thực hiện" - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết theo quy định của Phòng CSGT, lãnh đạo các đội CSGT phải trực tiếp tham gia và làm tổ trưởng các tổ tuần tra, kiểm soát.
Nhưng hình ảnh từ các clip mà Tuổi Trẻ ghi được chỉ có ba cán bộ chiến sĩ nêu trên, trong đó không có ai là lãnh đạo đội.
Ông Phong nhận định: "Chúng tôi đang yêu cầu Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra và báo cáo vì sao lãnh đạo đội không có mặt trong tổ này. Cũng có khả năng nhóm CSGT này tách tốp, làm không đúng quy trình".
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, thời gian qua Phòng CSGT đã có nhiều nỗ lực cải thiện hình ảnh trong mắt người dân với những việc làm thiết thực nhất qua cách ứng xử và trách nhiệm công vụ.
"Từ đầu năm đến nay có 496 lượt CSGT nêu gương liêm khiết không nhận mãi lộ, 91 gương CSGT bắt cướp giật, 70 gương CSGT giúp dân giải quyết các sự cố trên đường... Để xảy ra vụ việc ở Tân Sơn Nhất là điều chúng tôi cảm thấy rất nuối tiếc" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, ngay sau sự việc nói trên, Phòng CSGT đã yêu cầu rà soát, chấn chỉnh trong toàn lực lượng, không để xảy ra tình trạng tương tự. Phòng CSGT đã mở đường dây nóng (0994676767) để tiếp nhận tin báo về vi phạm của CSGT TP.
"Khi phát hiện CSGT có hành vi vi phạm, người dân cần chủ động thông tin với chúng tôi qua số điện thoại này. Tốt nhất là nhắn tin nêu chi tiết thông tin về thời gian, địa điểm. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý ngay" - ông Phong khuyến cáo.
Có rất nhiều người "giám sát" CSGT
Liên quan đến thông tin có "người lạ" chặn xe đe dọa người quay phim CSGT làm nhiệm vụ ở khu vực cầu vượt trạm 2, trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết khi tiếp nhận thông tin đã cử lực lượng xác minh.
Đến thời điểm hiện tại bốn cán bộ chiến sĩ của Đội CSGT Rạch Chiếc tường trình không quen biết với "người lạ", nếu chứng minh có liên quan thì cả bốn người sẽ chịu trách nhiệm.
Phòng CSGT cũng đã phối hợp công an địa phương xác minh danh tính của "người lạ" là ông Nguyễn Văn Hào.
"Ông Hào tường trình hành nghề xe ôm, lúc đó xảy ra va chạm xe máy và người điều khiển xe máy va chạm với ông bỏ đi, ông đuổi theo gặp tổ công tác CSGT nên vào trình báo.
Sau đó ông Hào nhìn ra đường thấy một người dân đi xe máy quay clip nên lên xe máy đuổi theo yêu cầu dừng lại như trong clip. Nếu báo chí có chứng cứ gì khác, đề nghị cung cấp để chúng tôi có cơ sở xử lý" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, trên thực tế khi CSGT làm nhiệm vụ thì có rất nhiều người lạ xung quanh, có người vì hiếu kỳ quan sát, cũng có những người giám sát với mục đích riêng.
Cụ thể, có những người mặc thường phục đi theo đội CSGT để cảnh giới thông tin cho những người tụ tập đua xe, xe quá tải tránh đường, thậm chí xe ôm thường xuyên bên cạnh để đón khách là những người bị tạm giữ xe...
"Không loại trừ trong quá trình tác nghiệp lâu dài, giữa xe ôm ở các giao lộ và tổ công tác có mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau trong một số thông tin liên quan công việc. Tuy nhiên nếu quan hệ phức tạp, có sự can thiệp trong công việc thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý" - trung tá Phong nói.
Ông Phong khẳng định mọi người dân đều có quyền giám sát, ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ với điều kiện việc ghi hình đó không gây cản trở hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT.
Theo ông Phong, sắp tới Phòng CSGT sẽ triển khai ứng dụng thiết bị kỹ thuật hỗ trợ tuần tra kiểm soát và điều tiết giao thông, trong đó sẽ trang bị hệ thống camera giám sát.
Hệ thống camera này sẽ vừa giúp kiểm soát tình hình giao thông, ghi nhận các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, đồng thời giám sát hoạt động của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.
NGUYỄN TRIỀU - SƠN BÌNH (Tuổi trẻ)