Say thơ như Đỗ Chu

23/12/2018 16:06

Hồi còn trai trẻ, chúng tôi đặc biệt mê văn Đỗ Chu qua hai tập truyện ngắn: "Hương cỏ mật" (năm 1963), "Phù sa" (năm 1967).

Hồi còn trai trẻ, chúng tôi đặc biệt mê văn Đỗ Chu qua hai tập truyện ngắn: "Hương cỏ mật" (năm 1963), "Phù sa" (năm 1967). Nhìn chung văn Đỗ Chu rất đẹp, rất có chất thơ, vừa ý nhị, vừa sâu sắc, văn phong và chi tiết rất hấp dẫn. Sau này, khi đã có tuổi, đọc "Tản mạn trước đèn" (năm 2004) và "Thăm thẳm bóng người" (năm 2008)… tôi càng kính trọng tài năng của Đỗ Chu hơn. Tất nhiên, Đỗ Chu không chỉ có 4 tác phẩm để đời trên mà còn nhiều tác phẩm giá trị khác như "Vòm trời quen thuộc" (năm 1969), "Gió qua thung lũng" (năm 1971), "Tháng hai" (năm 1979), "Những chân trời của các anh" (năm 1980)… Có thể nói Đỗ Chu là nhà văn của truyện ngắn và tùy bút.

Nhưng chỉ trong vòng hơn một năm (từ tháng 8.2010-11.2011), Đỗ Chu bất ngờ nhao vào địa hạt thơ và đã cho “ra lò” trên 20 thi phẩm. Thơ của Đỗ Chu giàu chi tiết, liên tưởng, vừa sống động, giàu trải nghiệm và có những khoảnh khắc tâm trạng khá lạ lẫm. Có cảm giác như thơ của ông đã có sẵn trong văn, chỉ tập trung một thời gian là có thể chiết xuất ra được. Trong "Thương hạ", ông có những câu thật thi sĩ: "Vải dẫu vụng một niềm chua dại dột/Tiếng chim vang làm quả thắm trên đầu". Trong "Sóng cứ vỗ" (viết tặng thi sĩ Lê Văn Ngăn), ông có những câu mới đọc lên đã thấy nhớ: "Chả gì mềm bằng nước/Chả gì mạnh bằng nước/Thì sóng hỡi sóng cứ vỗ muôn đời vào eo biển/Thản nhiên cùng thơ anh chậm rãi vàng xa"… Đặc biệt, trong "Ru", ông có những câu thơ có giá trị như những câu kinh: "Cái đã đến có gì phải nhìn/Cái chưa đến tỏ tường từ tâm nhãn/Hoàn hảo là tìm về không/ Yêu thương ấy tài sản lớn"…

Cách nay không lâu, có một lần Đỗ Chu nói với tôi: "Khi làm thơ mới thấy làm thơ cho ra thơ, cũng khó thật!". Tôi nói theo: "Thì làm văn cho ra văn, cũng khó lắm chứ anh". Nghe tôi nói, ông cười cười: "Nhưng bây giờ là lúc tôi đang say thơ, đang nói về thơ kia mà!".

NGUYỄN VIẾT(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Say thơ như Đỗ Chu