Sau xuất khẩu lao động: Khó tìm việc làm phù hợp

23/08/2017 06:35

Khó tìm việc làm phù hợp khi trở về nước khiến nguồn lao động có tay nghề tốt đang bị lãng phí...


Nhiều lao động sau khi trở về lại tìm cách để đi xuất khẩu lao động trở lại do khó tìm việc ở quê nhà. Trong ảnh: Người lao động tìm hiểu việc xuất khẩu lao động tại Công ty CP Phát triển dịch vụ quốc tế JSC (TP Hải Dương)

Trở về nước sau thời gian làm việc ở nước ngoài, nhiều người rất khó tìm được công việc phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng vi phạm hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Thất vọng

Sau 11 năm làm việc tại Đài Loan, năm 2016 anh Nguyễn Hữu Điện ở thôn Mép, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) về nước. Anh Điện muốn tìm một công việc ở gần nhà để bù đắp khoảng thời gian sống xa nhà trước đó. Ở Đài Loan, anh từng làm các nghề hàn, sửa chữa xe ô tô. Nhưng qua tìm hiểu, anh Điện thấy rất ít doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu tuyển vị trí việc làm tương tự mà chủ yếu tuyển công nhân làm may, gia công cơ khí... Sau mấy tháng ròng rã tìm việc, thấy không có sự lựa chọn nào tốt hơn, anh Điện xin vào làm công nhân may cho một công ty ở thị trấn Tứ Kỳ. Là nam giới, lại khá cứng tuổi nên anh phải thuyết phục mãi công ty mới chịu nhận. Không có tay nghề nên anh được công ty bố trí làm nhân viên kiểm hàng. Làm được vài tháng, anh Điện rất thất vọng bởi công việc chiếm nhiều thời gian mà thu nhập chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng. Đã thế quản lý còn điều chuyển anh làm nhiều việc khác nhau chứ không chỉ kiểm hàng như thỏa thuận ban đầu nên anh Điện xin nghỉ.

Gần đây, anh Điện đã xin vào làm cho một công ty tại xã Văn Tố (Tứ Kỳ). "Công việc hiện tại cũng không liên quan gì đến tay nghề tôi có được khi làm việc ở nước ngoài. Tuy làm không vất vả nhưng gò bó vì suốt ngày chỉ đứng một chỗ. Thu nhập cũng không cao, tôi đành chấp nhận vì không muốn mình thất nghiệp", anh Điện nói.

Suốt 2 năm qua, anh Nguyễn Thành Tiến ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cũng chật vật đi xin việc. Năm 2015, sau 5 năm làm nghề mộc ở Hàn Quốc, anh Tiến về nước. Từ đó đến nay, anh vẫn chưa có được một công việc ổn định, phù hợp với tay nghề của mình. Anh Tiến cho biết: “Ở nước ngoài, họ quy định về giờ giấc, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, lương, thưởng rất rõ ràng. Đa phần các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện nên người lao động (NLĐ) rất yên tâm. Còn ở trong nước, tăng ca nhiều mà lương lại thấp, môi trường làm việc không bảo đảm khiến tôi không còn hứng thú làm việc”. Một trong những nguyên nhân khiến anh Tiến chưa chọn được việc làm phù hợp và ổn định là do địa phương không có nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ quy mô lớn. Trong khi những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ loại nhỏ thì lương thấp, các chế độ khác cũng không đầy đủ.

Sau khi XKLĐ trở về, NLĐ thường có tay nghề khá về lĩnh vực mình đã làm, nhất là ở những thị trường lao động khắt khe như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực sản xuất lại không tương đồng với thực tế ở trong nước, đặc biệt tại những vùng nông thôn. Mặt khác, sau thời gian làm việc ở nước ngoài trở về, NLĐ đã khá cứng tuổi. Do đó, họ khó tìm được việc làm phù hợp hoặc có nhưng thu nhập thấp. Nhiều người phải thay đổi chỗ làm liên tục hoặc chấp nhận làm trái nghề.

Trở lại xứ người bằng mọi cách

Chính vì trở về quê khó xin việc nên nhiều người tìm cách để XKLĐ trở lại. Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) trở về nước đầu năm nay sau 4 năm làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đài Loan. Ban đầu chị Hương định tìm một công việc ổn định ở quê nhà. Nhưng do đã 34 tuổi nên đến nhiều công ty chị bị từ chối hoặc được nhận tuyển dụng nhưng chỉ là việc phụ, lương thấp. Chị cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được trong những năm làm việc ở nước ngoài để phát triển sản xuất vì điều kiện không phù hợp. Vậy là dù không muốn nhưng hiện chị đang làm thủ tục để tiếp tục đi XKLĐ.

Những năm qua, Hải Dương liên tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. 2 năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã bị tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS). Một trong những nguyên nhân của việc này là do nhiều lao động e ngại khi trở về nước khó xin được việc phù hợp, thu nhập cao như ở Hàn Quốc, nên khi hết hạn hợp đồng lao động họ đã tìm mọi cách ở lại làm việc bất hợp pháp.

Thời gian qua, ngành lao động tỉnh ta đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc làm cho mọi đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành đã tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 600 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhiều vị trí việc làm khác nhau. Các lao động sau khi XKLĐ trở về cũng nên quan tâm đến kênh giới thiệu việc làm này để tìm công việc phù hợp. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần có phương hướng tuyển dụng những lao động đã từng làm việc ở nước "mẹ" để tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm, tay nghề và quen môi trường làm việc trước đó. NLĐ cần cố gắng hòa nhập với môi trường làm việc tại địa phương, không nên bám trụ bất hợp pháp ở nước ngoài bởi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

THANH TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau xuất khẩu lao động: Khó tìm việc làm phù hợp