Sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức

18/12/2022 18:16

Không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động từ chức, nhường chỗ cho người khác. Đó là cam kết của cán bộ, nhân viên nhận nhiệm vụ mới ở Bộ Thông tin và Truyền thông từ năm 2022.


Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu truyền thông phải là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số - Ảnh: MINH SƠN

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ thông tin trên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của bộ sáng 18.12 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Truyền thông phải đi đầu

"Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số", Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn nữa của ngành TT&TT.

Trước hết, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông chính sách để người dân hiểu, tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ông lấy ví dụ, trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, truyền thông phải giúp người dân hiểu rằng lợi nhuận cao thì rủi ro lớn, từ đó góp phần vào sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững của thị trường.

Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp đúng và trúng được Bộ TT&TT xác định cho năm 2023, Thủ tướng yêu cầu bộ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. 

“Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đặt trong bối cảnh một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội" - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT phải tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. 

Thủ tướng giao ngành TT&TT và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Yêu cầu thứ ba của Thủ tướng là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở... 

Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.

Tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Tăng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỉ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam.

Thúc đẩy thương hiệu Make in Việt Nam, phấn đấu tăng tỉ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành truyền thông.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT cần tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". 

Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Bộ TT&TT - Ảnh: MINH SƠN

Năm 2023 là "năm về dữ liệu"

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm 2022 là năm mà Bộ TT&TT tập trung, đặt ra chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, trong đó có chiến lược "tổng tiến công" về chuyển đổi số.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết: "Năm 2022 cũng là lần đầu tiên mà cán bộ, nhân viên nhận nhiệm vụ mới ở bộ đã hứa, sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức, ‘nhường chỗ’ cho người khác trong năm tới".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu, đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, là an toàn dữ liệu.

"Bộ TT&TT sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt cơ bản của chuyển đổi số" - bộ trưởng cam kết.

Bộ trưởng nhấn mạnh năm  2023 cũng là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành, Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn, thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Năm 2023 cũng là sẽ năm thương mại hóa 5G… 

Đặc biệt, về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đặt mục tiêu, nâng số lượng tài khoản từ các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%. Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và đi ra nước ngoài…

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức