Hiện nay, sâu keo mùa thu (SKMT) đã xuất hiện và gây hại trên toàn bộ diện tích ngô vụ xuân của tỉnh.
Đây là loại sâu mới phát tán vào Việt Nam, có tốc độ lây lan nhanh, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về vấn đề này.
- Xin bà cho biết mức độ nguy hại của SKMT?
- SKMT có khả năng gây hại trên 300loài thực vật nhưng thức ăn ưa thích của chúng là ngô, lúa, mía, đậu tương… Loại sâu này có thể xâm nhập qua nhiều con đường khác nhau. Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần, từ cây này sang cây khác, từ ruộng này sang ruộng khác. Con trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng với phạm vi hàng chục cây số. Sâu trưởng thành di trú có thể bay xa theo gió tới hàng trăm cây số. Ngoài ra, sâu non, nhộng, trứng thậm chí là sâu trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phẩm trong quá trình vận chuyển.
SKMT gây hại nặng trong giai đoạn sâu non, sâu ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non, gây ra các vết hình vuông, hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non lớn tuổi ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như cửa sổ. Do khả năng sinh sản, lây lan nhanh nên SKMT có thể tàn phá cây trồng trong thời gian ngắn.
Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật đang kiểm tra, đánh giá mức độ gây hại của SKMT đối với diện tích ngô của từng vùng trong tỉnh.
- Vậy phải làm gì để phòng trừ, ngăn chặn sự lây lan của loại sâu này?
- Nông dân cần phòng trừ loại sâu này bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp gồm canh tác, thủ công, sinh học và hóa học. Người dân cần làm sạch cỏ dại quanh ruộng để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất, phơi khô đất và thực hiện luân canh để ấu trùng, nhộng trong đất chết. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là thời điểm ngô đạt từ 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt đem tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt sâu. Dùng bẫy dính vàng, bẫy bả chua ngọt, bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành. Trên cánh đồng trồng ngô, có thể trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm so với thời vụ chung để dẫn dụ sâu trưởng thành tới đẻ trứng.
Khi mật độ sâu chưa đến ngưỡng, hạn chế sử dụng biện pháp hóa học để bảo vệ thiên địch của SKMT. Dùng các biện pháp sinh học như dùng nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu còn nhỏ. Khi sâu đạt đa số tuổi 1-3 thì sử dụng biện pháp hóa học để diệt trừ. Do chưa có thuốc đặc trị riêng nên tạm thời sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất như Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phun trừ.
- Xin cảm ơn bà!
NM(thực hiện)