Nhiều trường đại học dự báo điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm so với năm ngoái.
Sáng 13.9, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, trường dành 2.100/4.000 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường nhận được tổng số hơn 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (chưa tính các nguyện vọng khác). Với số lượng như vậy, điểm chuẩn được dự báo sẽ tăng nhẹ một số ngành.
"Những ngành như Công nghệ thông tin hay một số ngành thuộc khối Kinh tế như Kế toán, Tài chính Ngân hàng dự kiến có điểm chuẩn hơn 0,5 - 1 so với năm ngoái. Các ngành khác cơ bản giữ ổn định", ông Sơn nói và thông tin ngày 15.9, trường sẽ công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT
Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong lần lọc ảo đầu tiên, trường dự kiến điểm chuẩn vào khoảng 23 - 24 tùy ngành. Một số ngành khối Môi trường, Hóa học dự kiến mức điểm chuẩn có thể sẽ bằng hoặc nhỉnh hơn chút so với điểm sàn. Trong khi đó một số ngành như Luật học, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh có lượng nguyện vọng cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu, điểm chuẩn cao.
Theo ông Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Điện lực Hà Nội, trường trải qua 3 lần lọc ảo theo hệ thống của Bộ GD&ĐT. Dự báo điểm chuẩn một ngành đào tạo sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm so với năm ngoái.
Năm ngoái, trong 19 ngành tuyển sinh, ngành điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin lấy 24,5 điểm, dự kiến năm nay ngành này điểm chuẩn vẫn cao nhất. Điểm chuẩn một số khối ngành kinh tế (Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng) sẽ tăng nhẹ.
Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, sau một số lần lọc ảo, đến thời điểm này điểm chuẩn các ngành của trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT khá ổn định so với năm ngoái. Một số ngành khối xã hội điểm chuẩn có thể tăng ở mức trên dưới nửa điểm so với năm ngoái như sư phạm văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý…
“Dự báo, điểm chuẩn các ngành đang dao động trong khoảng 20 - 28 điểm. Tuy nhiên, kết quả này chưa phải cuối cùng, có thể điều chỉnh sau các lần chạy lọc ảo tới”, ông Quốc chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, sau 3 lần lọc ảo, trên hệ thống hiện khoảng 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non chiếm 64,07% so với số đăng ký dự thi (năm 2021 là 77,78%). Tổng số nguyện vọng đăng ký của thí sinh năm nay là hơn 3 triệu, trung bình mỗi thí sinh 2 - 3 nguyện vọng.
Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT bắt đầu chạy lọc ảo từ ngày 10 - 15.9. Sau 6 lần lọc ảo, Bộ GD&ĐT sẽ trả kết chính thức cho các trường. Trước 17 giờ ngày 17.9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 30.9, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Từ tháng 10 đến tháng 12.2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh đợt bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. |
Theo VTC News