Sau 20 năm Pháp mới có một Tổng thống đương nhiệm dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên

12/04/2022 10:06

Tương tự như cách đây 5 năm, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã lọt vào "trận chung kết" bầu cử Tổng thống sau khi có kết quả sớm vòng bỏ phiếu đầu tiên vào hôm 10.4.

Sau 20 năm Pháp mới có 1 tổng thống đương nhiệm dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và ứng viên cực hữu Marine Le Pen - Ảnh: Reuters

Với 97% phiếu bầu được kiểm, ông Macron dẫn trước đối thủ là bà Le Pen với tỷ lệ phiếu ủng hộ 27,6% so với 23%. Theo báo Le Parisien, đây là lần đầu tiên sau 20 năm một Tổng thống đương nhiệm dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Ông Macron thận trọng

Với tư cách hai ứng viên dẫn đầu, ông Macron và bà Le Pen sẽ tiến vào vòng tranh cử thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 24.4. Các cuộc thăm dò vào cuối tuần trước cho thấy ứng viên nặng ký Le Pen không thua kém đối thủ là bao, tỷ lệ trung bình chỉ là 49 - 51% nghiêng về đương kim Tổng thống.

Đối với Tổng thống sắp mãn nhiệm, khoảng cách đó chưa đủ để bảo đảm chiến thắng ở vòng hai. Đặc biệt là kể từ khi bà Le Pen đang nỗ lực thành lập một mặt trận chống ông Macron.

Dù đang nỗ lực trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái cử kể từ cựu Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2002, bản thân ông Macron cũng thận trọng khẳng định "không có gì được quyết định" sau khi có kết quả vòng 1. 

Ông cho biết vòng bầu cử kế tiếp sẽ "mang tính quyết định đối với Pháp và châu Âu".

Cuộc đọ sức giữa ông Macron và bà Le Pen là cuộc tái đấu của trận chung kết bầu cử năm 2017, mà khi đó đương kim Tổng thống giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ 66%.

"Một sự lặp lại đáng buồn" và "Lần này nó thực sự đáng sợ", nhật báo thiên tả Libération nói về "trận chung kết" giữa hai ứng viên.

Năm 2017, ông Macron quyết tâm "hòa giải" một nước Pháp đang bị chia rẽ nặng nề. Năm 2022, cương lĩnh tái tranh cử của ông Macron là "đoàn kết". 

"Tôi muốn nước Pháp là một phần của châu Âu mạnh mẽ, tiếp tục liên minh với các nền dân chủ lớn để tự bảo vệ mình - ông Macron nói ngày 10.4 - Tôi không muốn một nước Pháp, sau khi rời châu Âu, sẽ có đồng minh duy nhất là những người theo chủ nghĩa dân túy và bài ngoại".

Trong khi đó, phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, bà Le Pen đã kêu gọi tất cả những người không bỏ phiếu cho ông Macron hãy ủng hộ bà trong cuộc bỏ phiếu vòng hai - cuộc bỏ phiếu phản ánh sự lựa chọn giữa "xã hội và nền văn minh" của Pháp.

"Tôi sẽ đưa nước Pháp vào trật tự trong vòng 5 năm", bà Le Pen tuyên bố với những người ủng hộ ở Paris.

Trong chiến dịch năm nay, ứng viên cánh hữu Le Pen thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn và tập trung vào những lo lắng cơ bản của cử tri như lạm phát. 

Tuy nhiên, các đối thủ cáo buộc bà là người gây chia rẽ và phân biệt chủng tộc, còn ông Macron được cho là sẽ nhắm vào quá khứ thân thiết của bà với Tổng thống Nga Putin.

Hai ứng viên Macron và Le Pen sẽ có cuộc tranh luận phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20.4. Theo truyền thống, cuộc tranh luận sẽ thu hút hàng triệu người theo dõi và có tác động quan trọng đến kết quả chung cuộc. 

Năm 2017, ông Macron được cho là đã thể hiện tốt hơn bà Le Pen và đã giành chiến thắng cuối cùng.

Chờ bất ngờ ở vòng 2

Cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 24.4. Theo cuộc thăm dò độc quyền từ Ipsos cho Đài France Info và nhật báo Le Parisien, ông Macron được cho là sẽ giành chiến thắng ở vòng 2 với tỷ lệ 54% phiếu bầu so với 46% của bà Le Pen.

Đối với nhiều người trong số gần 48 triệu cử tri của Pháp, đây sẽ là thời điểm khó khăn. Nhiều người sẽ tự hỏi nên lựa chọn ứng viên nào ít tệ hơn hay ở nhà và không bỏ phiếu. 

Kết quả khảo sát độc giả trên báo Le Figaro cho thấy hơn 64% không hài lòng và chỉ có 35% người hài lòng với kết quả bỏ phiếu vòng 1.

Cử tri cánh tả Stéphane Van Son (62 tuổi), người ủng hộ ứng viên Jean-Luc Mélenchon, nói với báo Guardian rằng ông không chắc sẽ đi bỏ phiếu vòng 2 vì đối với ông thì Macron hay Le Pen đều tệ như nhau.

Dù cho ai chiến thắng thì người đó cũng phải đối mặt với các vấn đề nổi cộm trong xã hội Pháp hiện nay như lương hưu, năng lượng, quốc phòng, trợ cấp xã hội...

Nếu chiến thắng sau vòng bầu cử 24-4 sắp tới, ông Macron sẽ có thêm 5 năm nữa để thúc đẩy cải cách bao gồm nâng độ tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 65 tuổi và cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Người dân Pháp đang dần ít quan tâm đến cuộc xung đột ở Ukraine - vốn đang ảnh hưởng đến túi tiền của họ - và hướng sự tập trung vào những thứ gần gũi hơn như giá nhiên liệu tăng và lạm phát. 

Đây cũng là vấn đề mà bà Le Pen đang chú trọng trong các buổi vận động tại các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn nước Pháp.

Ứng viên cực hữu thể hiện sự quan tâm tới túi tiền của cử tri thông qua các vấn đề như giảm thuế nhiên liệu, miễn thuế thu nhập cho người dưới 30 tuổi, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp...

Những chính sách này làm tăng thêm sức hấp dẫn của bà đối với cử tri thuộc tầng lớp lao động và những người muốn có biện pháp cứng rắn hơn với người nhập cư.

Nhiều ứng viên không ưa bà Le Pen

Theo Đài BFMTV, ngay sau khi có kết quả vòng 1, các ứng cử viên thua cuộc đã kêu gọi người dân bầu cho ông Macron để ngăn chặn bà Le Pen.

Valérie Pécresse, Yannick Jadot, Anne Hidalgo và Fabien Roussel đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm. "Tôi sẽ bỏ phiếu cho Emmanuel Macron để ngăn chặn bà Le Pen và sự hỗn loạn mà bà ta sẽ mang lại", ứng cử viên cánh hữu của Đảng Cộng hòa Valérie Pécresse cho biết.

Ứng viên về thứ 3 trong vòng 1 là Jean-Luc Mélenchon thì không công khai ủng hộ ông Macron nhưng lại kêu gọi không bầu cho bà Le Pen. "Chúng ta không được dành một phiếu nào cho bà Le Pen", Jean-Luc Mélenchon viết trên Twitter.

Chỉ có ứng viên Eric Zemmour và Nicolas Dupont-Aignan lên tiếng bênh vực nữ lãnh đạo cực hữu.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau 20 năm Pháp mới có một Tổng thống đương nhiệm dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên