Thời gian qua đã xảy ra những trường hợp khen thưởng nhầm. Có những người vừa được khen, được tặng danh hiệu, huân chương đã bị thu hồi, thậm chí là vướng vào vòng lao lý.
Sáng 17.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên hợp thứ 2 cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Qua 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo nên thành tựu phát triển trên mọi phương diện của đất nước, bảo đảm quyền của người lao động, người dân trong quá trình tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng ở các cấp, các ngành, địa phương.
Luật Thi đua, khen thưởng bộc lộ hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập như chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về thi đua ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả. Nhận thức về vị trí, ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa coi trọng việc tổ chức phong trào thi đua. Một số nơi, phong trào thi đua còn hình thức, chưa gắn kết thi đua với công việc thường xuyên, hàng ngày; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể.
Công tác chỉ đạo phong trào thi đua chưa kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, chưa thực sự gắn với lợi ích của người lao động, do đó chưa thu hút, phát huy, tạo động lực thi đua từ cơ sở.
Ở địa phương, phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều và rộng khắp, nhiều nơi còn lúng túng về đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua.
Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, nhiều cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết; chưa đầu tư đúng mức cho phong trào thi đua; thiếu sự phối hợp, liên kết của các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ quan chức năng có liên quan, từ đó hạn chế tính động lực và hiệu quả của các phong trào thi đua.
Hiện tượng chạy theo thành tích vẫn còn tồn tại, làm suy giảm giá trị, tác dụng của phong trào thi đua.
Đối với công tác khen thưởng, luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất.
Việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, một số nơi còn hiện tượng cào bằng; chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất.
Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước về tôn vinh trao giải thưởng về doanh nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...
Khen thưởng “nhầm”
Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra rằng: “Khen thưởng theo kiểu toàn gối đầu. Bác Hồ nói rằng có thành tích đến đâu thì khen đến đó. Nhưng mình lại có tình trạng đi tích lũy thành tích để khen. Rồi có chuyện tổ chức định hướng cho việc xây dựng thành tích của cá nhân, thậm chí nhường nhịn nhau trong các thi đua, khen thưởng để có được thành tích thấp để chuẩn bị bước lên thành tích cao hơn."
Ông cũng thẳng thắn nêu “trong lĩnh vực thi đua khen thưởng cũng chạy danh hiệu, chạy bằng khen, chạy giấy khen, chạy anh hùng... thậm chí là có những trường hợp vừa mới phong xong đã phải xử lý.”
Hay như tình trạng các doanh nghiệp, hiệp hội phải đóng tiền để được vinh danh, được trao danh hiệu, giải thưởng, gây ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội.
Đáng tiếc là đã xảy ra cả những trường hợp khen thưởng “nhầm” trong giai đoạn vừa qua. Có những người vừa được khen, được tặng danh hiệu, huân chương đã bị thu hồi, thậm chí là vướng vào vòng lao lý.
Chẳng hạn như vụ việc ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, đã khai man thành tích để nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và sau đó đã bị thu hồi danh hiệu, truy thu các khoản trợ cấp ông đã nhận từ danh hiệu này.
Tháng 4.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký văn bản hủy bỏ quyết định khen thưởng ông Võ Hoàng Yên và các cộng sự sau khi những người này về khám, chữa bệnh ở huyện Bình Sơn hồi tháng 7.2020 nhưng không hiệu quả, gây ra dư luận không tốt ở địa phương.
Lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn thừa nhận địa phương đã chi 200 triệu đồng để trả tiền vé máy bay, chi phí ăn, ở cho đoàn của ông Yên và chi phí cho lực lượng công an, đoàn viên, thanh niên bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo kết quả rà soát, ông Võ Hoàng Yên đã khám cho 776 người dân địa phương mắc các bệnh câm, điếc bẩm sinh, bại não, bại liệt, teo cơ... Tuy nhiên, sau 8 tháng, không có người nào khỏi bệnh.
Một trường hợp khác xảy ra tại Ninh Bình. Vào tháng 9.2019, nhân dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13.10), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến khi đó đã ký quyết định tặng Bằng khen cho Công ty CP Thương mại và Du lịch Doanh Sinh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, sau đó tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ việc khen thưởng do trong thời gian tính thành tích đề nghị khen thưởng, Công ty này đã bị các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do không có báo cáo tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, vào tháng 5.2017, Chủ tịch nước đã ký quyết định hủy bỏ quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); hủy bỏ danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì đối với PVC.
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử chiều 15.3. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ đã hủy quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với Trịnh Xuân Thanh; yêu cầu Bộ Công thương thu hồi Bằng khen và tiền thưởng (nếu có) đối với Trịnh Xuân Thanh; Huân chương, Huy chương và tiền thưởng (nếu có) đối với PVC và Trịnh Xuân Thanh sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về việc thu hồi Huân chương và danh hiệu Anh hùng lao động.
Ngày 15.9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại PVC.
Ngày 16.9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46 (P12) đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Những bất cập thời gian qua đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng nhằm thể chế hóa Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Theo TTXVN