Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tham gia phòng chống dịch
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2008/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 26.4 và thay thế cho Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng SARS-CoV-2 ban hành kèm theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29.7.2020 của Bộ trưởng Y tế.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc.
SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín.
Bên cạnh đó, virus cũng liên tục biến đổi tạo ra hàng nghìn biến thể khác nhau trên toàn thế giới, làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.
Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của "cơn bão cytokine" và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.
Hiện tại, chưa có thuốc đặc hiệu đối với COVID-19 nên chủ yếu bệnh nhân được điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết thời gian ủ bệnh của COVID-19 từ 2 đến 14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày.
Triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng dễ dẫn đến việc bùng phát dịch khi có ca lây nhiễm cộng đồng
Ngoài ra, có khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp, như thở nhanh, khó thở, tím tái..., hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Theo Bộ Y tế, tử vong bởi COVID-19 xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng (SOFA) cao khi nhập viện...
Đa số trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho hoặc các biểu hiện viêm phổi.
Tuy nhiên, một số trẻ mắc COVID-19 có tổn thương viêm đa cơ quan, như: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Theo Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung, phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể, với ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) thì điều trị tại các khoa, phòng thông thường.
Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi thì cần được điều trị tại các phòng cấp cứu của các khoa, phòng hoặc hồi sức tích cực.
Ca bệnh nặng - nguy kịch (suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực. Do COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu nên điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Bộ Y tế cũng quy định, người bệnh được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn: hết sốt, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.
Ngoài ra, được ra viện là những người bệnh đã qua cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên, đồng thời có tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau từ 48 đến 72 giờ) có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác thì người bệnh phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.
Cùng với đó, người bệnh được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Những trường hợp đã qua xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mà tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện thì cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Theo TTXVN