Chiều 23-3, Bộ TTTT cho biết việc sáp nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào Đài Tiếng nói Việt Nam đang được khẩn trương tiến hành.
VOV và VTC sẽ chung một nhà
Theo đó, lộ trình sáp nhập được triển khai theo 4 bước: Bước 1, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì xây dựng Đề án sáp nhập; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đẩy nhanh việc xây dựng phương án cụ thể xử lý dứt điểm việc chia tách vốn, tài sản và phân định các nghĩa vụ tài chính, công nợ giữa hai đơn vị. Bước 2, xin ý kiến bộ, ngành liên quan về hai nhiệm vụ trên.
Bước 3, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đài Tiếng nói Việt Nam tổng hợp ý kiến, hoàn thiện đề án tổng thể về việc sáp nhập để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bước 4, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, các đơn vị liên quan triển khai đề án sáp nhập.
Cùng ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thành lập Ban Tiếp nhận việc sáp nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn được giao chỉ đạo việc xây dựng đề án sáp nhập; Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng tiếp tục chỉ đạo việc chia tách vốn, tài sản và phân định các nghĩa vụ tài chính, công nợ giữa Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ghi nhận của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Nguyễn Bắc Son: Chủ trương sáp nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đối với lĩnh vực phát thanh truyền hình, tạo điều kiện cho hai đơn vị phát triển mạnh mẽ, phù hợp với định hướng quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu việc xây dựng đề án, tổ chức sáp nhập được thực hiện theo nguyên tắc: Hài hòa quyền lợi, đoàn kết thống nhất; đảm bảo sự ổn định và phát triển của cả ba đơn vị (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC).
Theo TTXVN