Sáp nhập thôn, khu dân cư. Bài 2: Thực hiện thế nào?

28/11/2018 11:08

Để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề án sáp nhập thôn, khu dân cư đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ về Đề án sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh 

Ngày 30.6.2019 là thời gian đã được Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh ấn định hoàn thành đề án. Việc thực hiện đề án thế nào đã được khảo sát, tính toán kỹ.

Nhiệm vụ quan trọng

Mặc dù có nhiều ý kiến về việc nên thực hiện đề án ngay hay chờ thông tư đang dự thảo sẽ thay thế Thông tư 09/2017/TT-BNV, nhưng với tinh thần quyết liệt, ngay tại cuộc họp thứ nhất của BCĐ đầu tháng 11, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Nguyễn Mạnh Hiển đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sáp nhập, chia tách các thôn, KDC và chỉ đạo triển khai thực hiện đồng loạt trong toàn tỉnh.

Trước đó, để xây dựng đề án, các huyện, thị xã, thành phố đã khảo sát, dự kiến phương án sáp nhập, chia tách các thôn, KDC. Kết quả, toàn tỉnh có 188 thôn, KDC đề nghị sáp nhập. TP Hải Dương có nhiều nhất với 80 thôn, KDC đề nghị sáp nhập. Tiếp đó là thị xã Chí Linh có 26 thôn, KDC; huyện Cẩm Giàng có 19 thôn, KDC… Các địa phương cũng đã tiến hành thăm dò và dự kiến tên gọi của các thôn, KDC sau sáp nhập.

Qua khảo sát kỹ, nguyên tắc chung của đề án trong việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC là phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể các cấp và nhân dân; bảo đảm công khai, dân chủ, thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc sáp nhập, chia tách các thôn, KDC, việc lựa chọn tên cho thôn, KDC mới được thành lập sau sáp nhập, chia tách phải bảo đảm phù hợp các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và được nhân dân đồng tình ủng hộ, ổn định tình hình ở cơ sở. Việc sáp nhập, chia tách các thôn, KDC phải tiến hành đồng bộ, thống nhất với việc kiện toàn các chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Các thôn, KDC chưa đủ tiêu chí có thể sáp nhập vào thôn, KDC chưa đủ hoặc đã đủ tiêu chí quy định về quy mô hộ gia đình hợp lý để phù hợp với điều kiện địa lý và tình hình thực tế ở địa phương. Chỉ sáp nhập các thôn, KDC thuộc cùng một đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập tối đa không quá 3 thôn, KDC thành 1 thôn, KDC mới. Các thôn được sáp nhập phải có vị trí liền kề nhau trong một đơn vị hành chính cấp xã, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Trong trường hợp đặc biệt, có thể điều chỉnh, chia tách một phần thôn, KDC để sáp nhập vào các thôn, KDC khác nhằm bảo đảm tiêu chí, quy mô hợp lý theo quy định và phù hợp với tình hình.

Đối với các thôn, KDC không đủ tiêu chí nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù sau: có vị trí địa lý tự nhiên biệt lập hoặc bị chia cắt bởi địa hình phức tạp; có sự khác biệt về phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo thì có thể xem xét, chưa thực hiện sáp nhập.

Cả hệ thống cùng vào cuộc

Nhằm thực hiện đề án đạt hiệu quả cao nhất, ngày 7.11, BCĐ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án với các nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành từng việc. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất mà BCĐ yêu cầu là việc sáp nhập, chia tách phải đạt chất lượng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các địa phương và ổn định tình hình ở cơ sở.

Theo kế hoạch, trong tháng 11, các nhiệm vụ khảo sát, thống nhất chủ trương thực hiện trong ban thường vụ cấp ủy cấp huyện phải hoàn thành. Tiếp đó, cấp huyện xây dựng đề án và hồ sơ trình UBND huyện và tỉnh. Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ hướng dẫn việc thành lập các tổ chức đảng ở cơ sở ngay sau khi sáp nhập, chia tách thôn, KDC. Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng dẫn về tổ chức của MTTQ và các chi hội đoàn thể ở thôn, KDC…

Trước ngày 10.12, sau khi có chủ trương, nghị quyết của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, cấp xã hoàn thành việc xây dựng đề án. Sau khi ban thường vụ cấp ủy cấp huyện thống nhất về phương án, đề án chia tách, sáp nhập, UBND cấp xã phối hợp với ủy ban MTTQ tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi chia tách, sáp nhập; sau đó tổng hợp, lập biên bản xong trước ngày 20.12. Việc lấy ý kiến cử tri thực hiện theo Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 17.4.2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. UBND cấp xã sẽ hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến cử tri) trình HĐND cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày có nghị quyết của HĐND cấp xã, UBND cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND cấp huyện. Việc này phải hoàn thành trước ngày 10.2.2019.

Sau khi hoàn thiện đủ hồ sơ, thủ tục, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy các đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC. Khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết, UBND tỉnh lập tờ trình và hồ sơ liên quan trình HĐND tỉnh, dự kiến tại kỳ họp bất thường vào tháng 5.2019 xem xét ban hành nghị quyết thành lập các thôn, KDC mới.

Thời gian rất gấp rút nên để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của đề án đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

LINH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập thôn, khu dân cư. Bài 2: Thực hiện thế nào?