Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện: Việc làm cần thiết

27/01/2018 16:25

Việc tồn tại nhiều đầu mối đơn vị có một số chức năng, nhiệm vụ giống nhau khiến bộ máy cồng kềnh.


Hiện nay có một số bệnh, người dân có thể đến 2 nơi để khám là Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế cấp huyện

Toàn tỉnh hiện có 51 đơn vị sự nghiệp y tế, trong đó có 25đơn vị cấp huyện gồm 12trung tâm y tế và 13 bệnh viện đa khoa. Việc tồn tại nhiều đầu mối đơn vị có một số chức năng, nhiệm vụ giống nhau khiến bộ máy cồng kềnh. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối các đơn vị này là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Sẵn sàng 2 thành 1

Đề án số 03 về "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 28.4.2017 nêu rõ đến hết năm 2017, sẽ tiến hành sáp nhập 12 Trung tâm Y tế và 13 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, thành lập Trung tâm Y tế cấp huyện vừa thực hiện công tác khám, điều trị, vừa có chức năng dự phòng trực thuộc Sở Y tế tỉnh.

Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện hiện có một số chức năng tương tự nhau như sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định; tham gia khám giám định y khoa, pháp y khi được trưng cầu; các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em...

Vì vậy, theo các cơ quan chức năng, việc sáp nhập này vừa góp phần làm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, khoa, phòng, thống nhất sự điều hành, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở; đồng thời giảm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; thuận tiện trong sắp xếp, bố trí cán bộ, y bác sĩ; nâng cao tính chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

"Việc sáp nhập này là hợp lý, giúp người dân thuận tiện hơn trong khám, chữa bệnh vì tôi thấy có những lĩnh vực mà cả bệnh viện và trung tâm y tế đều có, chúng tôi khó lựa chọn nên đến khám, chữa trị ở đâu thì tốt hơn", bà Nguyễn Thị Thuận ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) cho biết.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thực hiện Đề án 03, đến hết năm 2017, tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã xây dựng xong đề án sáp nhập. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy các đề án này. Theo các đề án, số lượng cán bộ, viên chức, người lao động ở các trung tâm và các bệnh viện tuyến huyện được giữ nguyên nhưng sẽ giảm 13 đầu mối, 13 người đứng đầu các đơn vị. Đồng thời, khi sáp nhập, số khoa, phòng của trung tâm y tế mới sẽ giảm được ít nhất từ 2khoa, phòng trở lên so với hiện tại. Như vậy, bộ máy của các trung tâm y tế cấp huyện sẽ được tinh gọn hơn rất nhiều. Đặc biệt, việc sáp nhập sẽ giúp các đơn vị chủ động, linh hoạt trong điều động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng ở các thời điểm nhất định; không còn sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ.

3 thành 1: lại chờ

Trước thông tin sáp nhập, cán bộ, y bác sĩ của cả 2 loại đơn vị đều có một số băn khoăn về bố trí công việc, quyền lợi sau sáp nhập bởi 2 nơi có chế độ tài chính khác nhau, Trung tâm Y tế được bao cấp còn bệnh viện được giao tự chủ một phần kinh phí. Để giúp các cán bộ, y bác sĩ của các đơn vị yên tâm công tác, tất cả các Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện đều tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời giải thích cặn kẽ về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập. "Dưới sự hướng dẫn của Sở Nội vụ, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương và Trung tâm Y tế thành phố phối hợp chặt chẽ để xây dựng đề án, bảo đảm giải quyết chế độ hài hòa cho người lao động; sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với chuyên môn và điều kiện cho phép", bác sĩ Đinh Văn An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương cho biết.


Việc sát nhập các đơn vị y tế cấp huyện sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác phòng dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà, lãnh đạo đơn vị cũng giải thích rõ dù có sáp nhập thì số cán bộ, viên chức của trung tâm vẫn thực hiện theo chỉ tiêu đã được giao. Còn việc tinh giản biên chế thì thực hiện theo lộ trình đã được xây dựng trước đó.

Với những cách làm đó, cán bộ, y bác sĩ tại các cơ quan đều đồng tình với chủ trương sáp nhập và yên tâm công tác.

Tuy nhiên hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóaXII), việc sáp nhập các đơn vị y tế cấp huyện có thêm Trung tâm Dân số -KHHGĐ nên chưa tiến hành gộp Bệnh viện Đa khoa với Trung tâm Y tế. Các đơn vị sẽ phải xây dựng đề án mới. Chậm nhất đến hết tháng 6.2018 phải hoàn thành việc sáp nhập 3 đơn vị này.

Được biết, tại kỳ họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 2, lộ trình sáp nhập 3 đơn vị trên sẽ được đưa ra bàn bạc. Có 2 cách tiến hành là: sáp nhập Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế cấp huyện trước, đợi sau khi liên Bộ Nội vụ và Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về việc sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ sẽ thực hiện tiếp hoặc đợi có hướng dẫn sẽ sáp nhập cả 3 đơn vị. Theo một số lãnh đạo Trung tâm Y tế cấp huyện, không nên sáp nhập ngay. "Theo tôi, nếu sáp nhập ngay, không chờ hướng dẫn của Trung ương về sáp nhập Trung tâm Dân số -KHHGĐ, sau này nếu có gì thay đổi sẽ gây khó khăn cho các đơn vị", bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Sách nói.

Hiện nay, các quy định của Trung ương về sáp nhập các bệnh viện hạng 2 chưa thống nhất. Có văn bản thì nêu không sáp nhập, có văn bản nêu việc sáp nhập tùy điều kiện của các địa phương. Do đó, lãnh đạo các Bệnh viện Đa khoa hạng 2 trên địa bàn gồm: Kinh Môn, Chí Linh, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc đang băn khoăn. Sở Nội vụ đã trình, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ đối với 5 bệnh viện đa khoa hạng 2 của tỉnh.

HOÀNG NGÂN



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện: Việc làm cần thiết