Theo cảnh sát địa phương, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và nỗ lực giúp đỡ những người bị mắc kẹt và bị thương bên trong giếng.
Sập nắp giếng ở Ấn Độ, ít nhất 35 người thiệt mạng. Ảnh: PTI
Ngày 31.3, giới chức bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ cho biết, số người thiệt mạng trong vụ sập nắp giếng bên trong một ngôi đền cổ ở thành phố Indore, thuộc bang này đã tăng lên 35 người, trong đó 1 người khác vẫn bị mất tích. Công tác cứu hộ tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn đang được gấp rút tiến hành nhằm tìm kiếm người mất tích, sau khi phần mái phía trên của một giếng bậc thang của ngôi đền cổ bị sập.
Trước đó ngày 30.3, truyền thông địa phương đưa tin, 1 nắp giếng bên trong một ngôi đền cổ ở bang Madhya Pradesh bị sập, khiến nhiều người bị rơi xuống giếng nước. Theo cảnh sát địa phương, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và nỗ lực giúp đỡ những người bị mắc kẹt và bị thương bên trong giếng. Nước bên trong giếng sau đó cũng đã được bơm ra ngoài để giúp quá trình cứu hộ được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tính đến đêm 30.3, đã có 19 người được giải cứu khỏi hiện trường và được đưa vào bệnh viện địa phương điều trị. Tuy nhiên, nhiều “phụ nữ và trẻ em” được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ sập nắp giếng này.
Ông Narottam Mishra - Bộ trưởng Nội vụ bang Madhya Pradesh cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương đã mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời bang Madhya Pradesh cũng đang nỗ lực để có thể hỗ trợ, bồi thường cho các gia đình và người thân của các nạn nhân.
Mức hỗ trợ cho mỗi người thiệt mạng là 500.000 rupee Ấn Độ (tương đương 6.086 USD) trong khi mức hỗ trợ cho mỗi người bị thương là 50.000 rupee Ấn Độ (khoảng 608 USD). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân, yêu cầu chính quyền địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh công tác cứu hộ và cứu trợ.
Theo lực lượng cứu hộ, giếng bậc thang cổ tại Indore đã được đào từ hàng trăm năm trước, với hệ thống bậc thang dẫn xuống các khu vực phía dưới của ngôi đền. Ngôi đền có tên gọi Beleshwar Mahadev Jhulelal sau đó đã được xây dựng ở phía trên của chiếc giếng bậc thang này.
Theo VOV