Cho một người
Tiễn người ra cửa rồi Tôi quay vào lặng lẽ Chợt thấy mình cô đơn Giữa ngổn ngang bàn ghế
Khi người không yêu ta Buồn đã thành một nhẽ Khi ta không yêu người Sao cũng buồn đến thế?
Như đánh mất điều chi Lòng bâng khuâng khó tả Như thể mắc nợ ai Món nợ không thể trả
Có lẽ ta thương người Giờ này đang lủi thủi Hay là ta thương ta Từng chịu nhiều hắt hủi
Ngỡ chẳng có gì đâu Mà sao thành rắc rối Tất cả chỉ một lời Nói hay là không nói?
Bởi đơn giản thế thôi Biết làm sao cho được Khi người thì yêu tôi Còn tôi yêu người khác. ANH NGỌC
|
|
Bi kịch trong tình yêu là chuyện của muôn đời. Nói như nhà thơ Phạm Đức: "Anh tìm em, em tìm ai? Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung". Vậy nên, cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều nước mắt, nỗi khổ trong tình yêu lại càng thêm nhiều nước mắt hơn. Song cái bi kịch, nỗi khổ tình yêu trong Cho một người lại mang một nét riêng đặc biệt, chính điều đó đã làm cho nhiều độc giả nhớ đến Anh Ngọc và bài thơ này.
Mở đầu bài thơ là một cuộc tiễn đưa, đúng hơn là tiễn chân, chỉ vì hai người tiễn nhau ra cửa mà thôi. Cái khoảng không gian quá gần gũi bắt đầu từ căn nhà của nhân vật trữ tình xưng tôi nhưng đọc lên lại nghe đầy trắc ẩn và dự cảm dường như đây là cuộc tiễn đưa cuối cùng. Người được đưa tiễn đã khuất khỏi cánh cửa rồi, người bước vào căn nhà chợt thấy lòng mình "lặng lẽ" và "cô đơn giữa ngổn ngang bàn ghế". Nếu đọc hết khổ thơ thứ nhất, người đọc bắt gặp một cảm xúc xót xa trong lòng người đưa tiễn. Có chuyện gì giữa hai người vậy? Họ có quan hệ gì? Hay người ra đi cố tình không trở lại để nỗi niềm tưởng tiếc cho kẻ tiễn đưa? Bao nhiêu câu hỏi có thể đặt ra cho bất kỳ ai đọc hết khổ thơ đầu. Ở đây, tác giả gieo vần trắc ở cuối câu 2 và 4: lẽ - ghế càng gợi thêm bao nỗi niềm trắc ẩn, ngậm ngùi.
Sự đoán định theo kiểu vết mòn trong thơ tình kia thường quá rồi, cấu tứ quen thuộc đó nếu xảy ra chắc sẽ làm cho lòng ta thất vọng. Một tứ thơ mới có lẽ bắt nguồn từ tình yêu thật sự đầy trắc ẩn của tác giả đã kịp làm cho người đọc giật mình, chênh chao bao nỗi suy tư, khắc khoải khi đọc đến khổ hai của bài thơ:
Khi người không yêu ta
Buồn đã thành một nhẽ
Khi ta không yêu người
Sao cũng buồn đến thế?Vậy thì đã rõ quá rồi. Hóa ra cái nỗi "lặng lẽ", "cô đơn" trên kia là chính do người đưa tiễn "gây ra" chứ người ra cửa có tội tình gì đâu! Nếu tâm trạng của nhân vật trữ tình ở khổ thơ thứ nhất là cô đơn thì tâm trạng ấy giờ đây chuyển thành nỗi buồn điệp điệp. Hai từ "buồn" lặp lại ở câu 2 và 3 càng cứa xoáy vào lòng người đưa tiễn không nguôi. Cái hay của khổ thơ này là ở chỗ đó, nó vừa lạ vừa quen, nó là tâm trạng của một người mà cũng là của nhiều người, nghĩa là phổ quát, là tất cả. Khi ta không yêu ai đó, nhưng họ lại có tình cảm với mình, biết bao là áy náy xen lẫn chút lòng thương hại, cảm giác buồn buồn tội nghiệp cho họ là tâm trạng có thật. Nhân văn hơn, khi từ nỗi buồn cảm thông cho nỗi bất hạnh của người yêu mình mà mình không đáp lại đã được tác giả nâng lên thành nỗi ân hận vì tội lỗi, đó là món nợ không lấy gì trả được. Người đời vẫn thường nói, "nợ bạc nợ vàng còn trả được/ nợ tình nợ nghĩa lấy chi đong" quả là đúng lúc này:
Như đánh mất điều chi
Lòng bâng khuâng khó tả
Như thể mắc nợ ai
Món nợ không thể trả Từ nỗi ân hận thật lòng vì "mắc nợ" người, dù món nợ ấy không hề vay, tác giả đã tiếp tục khơi gợi mạch thơ với niềm thương cảm khi vẽ ra khung cảnh người ấy trở về trên đường vắng. Trịnh Công Sơn cũng có hai câu ca từ viết rất hay về hình ảnh người con gái giữa đêm mưa xa vắng: "Thương ai về ngõ tối/ Sương khuya ướt đôi môi" (Thương một người). Với Anh Ngọc, tôi cho đây là những câu thơ thấm thía và xúc động nhất trong bài thơ vì sự chân thực đến không ngờ:
Có lẽ ta thương người
Giờ này đang lủi thủi
Hay là ta thương ta
Từng chịu nhiều hắt hủi Thương người rồi lại thương mình cũng từng chịu nhiều hắt hủi trong tình yêu khi không tìm được sự đền đáp. Hai từ láy "lủi thủi" và "hắt hủi" sử dụng trong khổ thơ thật đạt hiệu quả. Một tác giả dành cho người, một tác giả dành cho mình, song cả hai đều thật cảm động, xót xa. Tình yêu không có gì mà hóa ra lại rắc rối, đa đoan, khổ sở. Khi nhớ thương thì nó bổi hổi bồi hồi, đứng ngồi không yên; khi đau khổ thì nó khóc trào máu lệ, ai oán, xót xa... Bao nhiêu là cung bậc không làm sao tả xiết. Bởi chính cái bi kịch "Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng, người thì không bắt bóng được bao giờ". Cuộc chạy đuổi kiếm tìm ấy đã hóa thành dâu bể trong tình yêu, khiến nước mắt nhân gian khóc thương cho những cuộc tình phôi pha không bao giờ hết:
Bởi đơn giản thế thôi
Biết làm sao cho được
Khi người thì yêu tôi
Còn tôi yêu người khác!Viết về đề tài tình yêu, thi sĩ xưa nay vạn người thương khóc, nhưng thường là khóc cho tình mình bị phụ rẫy, lãng quên. Khác với lối mòn thông thường ấy, Anh Ngọc đã mang lại cho người đọc một bài thơ tình cấu tứ khác hẳn, tuy vẫn nằm trong mạch ngầm chứa chan của tình yêu vạn cổ. Cùng với một số thủ pháp tu từ quen thuộc trong cách sử dụng từ láy, cách gieo vần đầy dụng ý nghệ thuật, bao trùm thi phẩm Cho một người là tâm sự đầy nhân văn của tác giả, qua đó gửi đến người đọc một thông điệp đầy bao dung, cách ứng xử sao cho có nghĩa, có tình và nhân ái trong tình yêu đôi lứa. Thiết nghĩ, yêu hay không yêu là điều quan trọng đã đành, nhưng xử sự sao cho người ta không quên được mình, ấy mới là những tâm hồn ngọc ngà đích thực trong tình yêu đầy dâu bể, đa đoan này.
LÊ THÀNH VĂN