Chị không biết rằng con chị học ngày càng sa sút và nó đã nghiện game từ bao giờ.
Vợ chồng anh Tâm, chị Loan lấy nhau lúc cả hai mới ngoài hai mươi tuổi. Gia đình thuần nông nên ngoài mấy sào ruộng khoán ra cũng không có nghề nghiệp gì ổn định. Ngày nông nhàn, anh Tâm theo đoàn thợ xây làm mấy công trình nho nhỏ quanh làng. Còn chị Loan thì quanh quẩn chăm mấy con lợn, đàn gà. Kinh tế gọi là có đồng ra đồng vào nhưng chưa phải thuộc dạng khá giả. Cuộc sống của vợ chồng trẻ tưởng cứ an bài như thế nhưng từ khi hai đứa con lần lượt ra đời, rồi xã hội ngày càng phát triển thì anh chị mới thấy cần phải vươn ra ngoài, để dẫu không mở mày mở mặt với thiên hạ thì ít ra cũng bằng chị bằng em.
Sau khi bàn đi tính lại, vợ chồng anh quyết định vay vốn để anh Tâm đi lao động bên Hàn Quốc. Lúc đó, thằng Tiến - con đầu của anh chị mới đang học tiểu học. Nơi đất khách quê người, anh cố gắng bươn chải, chí thú làm ăn nên dành dụm được kha khá tiền gửi về, không những trả hết nợ mà còn mua được mảnh đất mặt đường ngã ba trung tâm xã. Rồi chị Loan dựng ngôi nhà, mở cửa hàng tạp hoá. Do khéo buôn bán lại gặp thời kỳ làng quê bắt đầu chuyển mình đô thị hóa nên việc buôn bán của chị khá thuận lợi. Công việc bận rộn, mệt nhoài khiến chị không có thời gian để chăm sóc con chu đáo. Chị chỉ mong kiếm thật nhiều tiền để con có điều kiện tốt sau này. Chị mua sắm cho con đủ thứ với suy nghĩ không để con mình phải thua kém bạn bè.
Thằng Tiến lớn dần lên trong sự dư thừa về vật chất nhưng thiếu sự quan tâm, săn sóc của cha mẹ. Nhiều khi thấy bè bạn được bố mẹ chăm chút mà nó tủi thân. Dần dần, nó trở nên ít nói, sống lặng lẽ và hoạt động như một cái máy đã được lập trình sẵn. Hằng ngày, đi học về là thằng Tiến chui tọt lên tầng hai với chiếc điện thoại thông minh là khoảng trời riêng của nó, như để trốn khỏi cái thế giới ồn ào ở tầng dưới, nơi mẹ nó đang mải mê bán hàng. Nó suy nghĩ gì, cuộc sống cá nhân của nó như thế nào mẹ nó không hề hay biết.
Thấy con ít giao du, chơi bời nên chị cũng yên tâm rằng con mình không sa ngã mà rất chăm chỉ học hành. Một đôi lần, cô giáo chủ nhiệm của thằng Tiến có gọi điện trao đổi về những biểu hiện khác thường của nó nhưng chị vẫn chủ quan, nghĩ rằng không nghiêm trọng lắm. Chị không biết rằng con chị học ngày càng sa sút và nó đã nghiện game từ bao giờ...
Tết vừa qua, anh Tâm về thăm quê, dự định nghỉ một tháng rồi sang làm thêm vài năm nữa sẽ về nước hẳn. Những tưởng con mình ở nhà sẽ chăm ngoan, học giỏi nhưng anh không ngờ thằng Tiến lại làm anh thất vọng đến thế. Nó đang học lớp 9 một cách chật vật và cũng chẳng có chí thi cử, học hành gì nữa mà chỉ suốt ngày bên điện thoại với những trò game hấp dẫn đến nỗi quên ăn, quên ngủ.
“Hai vợ chồng mình làm lụng vất vả, mục đích cuối cùng cũng là để lo cho các con. Vậy mà bây giờ nó lại ra thế này. Công sức bao năm của mình cũng trở thành vô ích nếu con mình mai này lại là một đứa lêu lổng, không trưởng thành!” - nghĩ vậy, anh Tâm bàn bạc với vợ rồi quyết định không đi xuất khẩu lao động nữa. Anh quyết định ở nhà để kèm cặp thằng Tiến, sánh bước bên con, để đưa thằng con về với nhịp sống bình thường, học tập như bao đứa trẻ khác. Điều đơn giản ấy bây giờ cũng không dễ dàng bởi con anh đã quen với lối sinh hoạt tùy thích, vốn kiến thức quá hổng. Nhưng dù sao thì cũng phải giúp con thay đổi, tiến bộ lên. Anh quyết tâm như thế!
Hằng ngày, anh chị vừa theo sát giờ giấc ăn, nghỉ, học bài của con vừa động viên, phân tích để thằng Tiến hiểu ra dần dần. Anh chị tìm gặp các thầy cô giáo để tìm hiểu năng lực, khả năng của con và xin ý kiến về biện pháp, hình thức giáo dục sao cho phù hợp, hiệu quả nhất.
Rồi mưa dầm thấm lâu, thằng Tiến bắt đầu có những chuyển biến. Dường như hiểu tấm lòng của bố mẹ nên sau chừng một tháng, thằng Tiến đã chủ động hơn với bài vở.
Ngắm con học bài bên khung cửa sổ, anh Tâm khẽ mỉm cười, lòng nhóm lên một niềm hy vọng. Anh thầm nghĩ cũng may vì đã quyết định ở nhà, dù muộn nhưng vẫn còn kịp. Mừng hơn nữa là con cũng đã dần thay đổi, để có suy nghĩ và lối sống tích cực hơn.
ÐỖ THỊ THU