Huyện Bình Giang có nhiều cách làm sáng tạo trong chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa.
Bình Giang đang đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa.
Trong ảnh: Thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng thuê máy xúc đắp bờ vùng, bờ thửa
Nhiều xã ở huyện Bình Giang có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế đồng ruộng ở địa phương nên việc chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa được nhân dân đồng lòng hưởng ứng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chia ruộng theo nhóm“Xã cũng phối hợp với Trường THCS tổ chức cho các em học sinh lớp 9 thi viết với đề tài “Nhận thức của em về công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng ở xã Bình Xuyên”. |
|
Tân Hồng là một trong những xã chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR) và dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) nhanh của Bình Giang. Mọi công việc liên quan đều được xã công khai. Xã chỉ đạo cả 4 thôn thực hiện theo nguyên tắc chung là lắng nghe ý kiến đóng góp, tạo điều kiện cho nhân dân bàn bạc và quyết định các phương án thực hiện phù hợp với điều kiện của từng thôn. Chủ trương CTĐR, DĐĐT của xã và kế hoạch thực hiện của thôn được phổ biến rộng rãi đến nhân dân, còn triển khai như thế nào là do dân tự bàn và quyết định, dựa trên hướng dẫn của Ban chỉ đạo DĐĐT xã. Qua đó, chính quyền và nhân dân sớm tìm được tiếng nói chung để đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, xã Tân Hồng đang DĐĐT theo 2 cách do nhân dân đề xuất. Đó là tổ chức chia ruộng trong toàn thôn hoặc làm theo nhóm. Từng nhóm có từ 10-20 hộ dân sẽ nhận một phần diện tích đất được xã giao, sau đó tự bàn để chia ruộng cho nhau. Cách làm này không chỉ giảm công việc cho tiểu ban chỉ đạo ở các thôn mà còn đẩy nhanh tiến độ. Thực hiện theo nhóm cũng tạo điều kiện để các hộ dân bày tỏ tình nghĩa xóm làng, thông cảm, chia sẻ và nhường nhịn nhau. Ông Dương Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã cho biết: “DĐĐT nếu không dân chủ thì không thể làm được. Chính quyền xã không gò ép nông dân thực hiện một cách máy móc mà khuyến khích họ áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện và nguyện vọng”.
Trong tổng số hơn 545 ha thì đến nay xã Tân Hồng đã CTĐR được hơn 90% diện tích; thôn Mộ Trạch đã cơ bản hoàn thành việc giao ruộng cho người dân.
Không còn ngại đồng xaCả 4 thôn ở xã Tân Việt cũng đang gấp rút hoàn thành CTĐR và DĐĐT. Từ những ngày đầu triển khai, xã đã xác định những khó khăn có thể gặp phải như người dân ngại ruộng xa và trũng nên không hưởng ứng. Xã vận động, tuyên truyền bằng những việc làm thiết thực là chỉnh trang trước, dồn thửa sau. Trên cơ sở thống kê diện tích và hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện có, xã lập quy hoạch hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng. Các thôn tổ chức họp dân, thông báo diện tích đất ruộng đóng góp để làm mới, mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng và vận động nhân dân tham gia. Mỗi thôn huy động từ 2-3 máy xúc, máy ủi hoạt động cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ. Các thôn Lý Đỏ và Tân Hưng huy động 4-5 máy làm việc. Đến nay, xã Tân Việt đã chỉnh trang được trên 440 ha, đạt 95% kế hoạch. Ông Vũ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “CTĐR sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới trên các cánh đồng của xã”.
Một số người dân ở xã Tân Việt cho biết, cánh đồng xa nhất của xã cách các khu dân cư khoảng 2 km. Nhưng đường xa không còn là trở ngại lớn vì sau khi chỉnh trang thì hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã đến tận nơi. Cứ 2 lô ruộng lại có một con đường rộng từ 3-3,5 m, ở giữa 2 lô là mương dẫn nước. Bà Vũ Thị Hoa ở thôn Tân Hưng cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 4 sào khoai tây. Trước đây, bờ thửa nhỏ nên chăm sóc và thu hoạch rất vất vả. Nhưng nay bờ thửa đã được đắp thành đường rộng hơn 3 m, thuận lợi cho canh tác và cơ giới hóa nên chúng tôi càng thấy rõ lợi ích của CTĐR và DĐĐT”. Nông dân ở xã Tân Việt đã hiến được tổng số hơn 287.000 m² đất để CTĐR.
Kết quả rõ nétCòn ở xã Bình Xuyên, việc DĐĐT được xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân theo nhiều cách. Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chủ trương CTĐR và DĐĐT không chỉ được tuyên truyền trên Đài truyền thanh xã mà cán bộ xã, thôn còn đến tận nhà các hộ dân chưa đồng thuận để vận động. Lãnh đạo xã thường xuyên kiểm tra, theo sát quá trình thực hiện của các thôn, từ đó tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. Xã cũng phối hợp với Trường THCS tổ chức cho các em học sinh lớp 9 thi viết với đề tài “Nhận thức của em về công tác DĐĐT gắn với CTĐR ở xã Bình Xuyên”. Cuộc thi đã chọn ra 7 học sinh có bài viết xuất sắc, qua đó góp phần tuyên truyền đến các bậc phụ huynh. Với những cách làm như vậy, xã Bình Xuyên đã hoàn thành DĐĐT vào cuối năm 2013 ở cả 9 thôn, sớm nhất huyện Bình Giang. Sau DĐĐT, mỗi hộ dân ở đây chỉ còn từ 1-2 thửa ruộng, có 115 hộ còn 1 thửa, thửa ruộng lớn nhất là 7.800 m². Toàn xã chỉ còn hơn 14.000 thửa ruộng, giảm 67,8% so với trước khi DĐĐT. Nhân dân địa phương đã hiến hơn 319.000 m² đất trị giá 5,8 tỷ đồng, đóng góp trên 2 tỷ đồng thuê máy.
Đến hết tháng 11, toàn huyện Bình Giang đã có 57 thôn trong tổng số 103, thôn, khu dân cư của 18 xã, thị trấn CTĐR và DĐĐT. Nhiều xã đã vận động được 100% số thôn CTĐR như: Cổ Bì, Thái Học, Bình Minh, Tân Hồng, Tân Việt, Bình Xuyên... Huyện hỗ trợ mỗi xã 500.000 đồng/ha để CTĐR và DĐĐT.
Huyện Bình Giang phấn đấu đến hết năm 2014 các xã sẽ cơ bản hoàn thành CTĐR và đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành DĐĐT ở tất cả các thôn, khu dân cư.
LÊ XUYỀN