Chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 23.9.1945, sáu nghìn quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở TP Sài Gòn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên, quyết chiến với quân xâm lược
Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược nước ta lần thứ 2. Và ngày 23.9.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên quyết chiến với quân xâm lược.
Nam Bộ - Thành đồng tổ quốc
Chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, ngày 23.9.1945, sáu nghìn quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở TP Sài Gòn. Mục đích của chúng không chỉ ở Nam Bộ, mà thôn tính xong Nam Bộ thì tiếp tục thôn tính cả Việt Nam và Đông Dương. Đây là thời điểm lịch sử, buộc cả dân tộc Việt Nam một lần nữa lại phải đoàn kết một lòng, đứng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.Ngay buổi sáng ngày 23.9, khi thực dân Pháp vừa nổ súng tại Sài Gòn, UBND Nam Bộ đã họp, nhất trí tán thành chủ trương phát động kháng chiến và thông qua bản Hiệu triệu quân dân Nam Bộ đứng lên đánh trả địch.
Tiếng súng mở đầu ngày Nam Bộ kháng chiến đã chấn động cả nước. Từ dao, súng, gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù bằng nhiều biện pháp. Chiều 23.9, cả Sài Gòn đình công. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm 23.9, công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng chiến lũy, sẵn sàng cầm chân địch.
Ngày 26.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 27). Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu uy dũng, thành tiếng kèn xung trận, để nhân dân Việt Nam ở mọi miền Tổ Quốc, ở trong nước cũng như ngoài biên giới Việt Nam, đều đồng lòng sẵn sàng chia lửa với đồng bào Nam bộ trong buổi đầu khó khăn.
Ở khắp các địa phương miền Trung, miền Bắc, những cuộc mít tinh, biểu tình liên tiếp được tổ chức, lôi cuốn hàng chục triệu lượt người. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú cùng vũ khí tốt nhất đã nhanh chóng đến với chiến trường Nam Bộ, bổ sung sức mạnh và tinh thần chiến đấu với nhân dân Nam Bộ.
Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, thực dân Pháp liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Chúng lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực-thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt. Chúng buộc phải tìm cách hoãn binh. Sau 7 ngày, ngày 30- 9-1945, thực dân Pháp buộc phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có.
Nhưng dã tâm của thực dân cướp nước không dễ xoay chuyển. Thực tiễn cuộc chiến ngày càng phức tạp. Quân địch không ngừng sử dụng đủ mọi thủ đoạn và sức mạnh hòng bóp nghẹt ý chí chiến đấu, đập tan lực lượng kháng chiến của ta. Nhưng với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân miền Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra. Và tháng 2.1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam Bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.
Những bài học quý giá
30 năm trường kỳ kháng chiến, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống cho ngày độc lập, thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ý chí quật cường của đồng bào Nam Bộ trong ngày 23-9 bằng gậy tầm vông, giáo mác chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của quân thù đã để lại cho các thế hệ Việt Nam những bài học vô cùng quý giá.
Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam Bộ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ nhân dân. Nhân dân Nam Bộ không khuất phục trước kẻ thù, mọi người đều nhất tề đứng dậy. Xứ ủy khẳng định quyết tâm kháng chiến là quyết định hợp lòng dân, đã phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân. Có được sức mạnh của toàn dân thì không sức mạnh nào có thể khuất phục được. Đường lối đúng đắn của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng ở Nam Bộ đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương.
Thêm vào đó, bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Bác Hồ đã khẳng định: Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Cùng với đồng bào Nam Bộ kháng chiến những tháng năm rực lửa đó, có hàng vạn những thanh niên ưu tú từ miền Bắc đã Nam tiến giết giặc. Sức dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng là bài học tiên quyết cho mọi thắng lợi của dân tộc và cách mạng theo chân lý độc lập, tự do.
Ý chí quật khởi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm không ngừng được bồi đắp; những bài học lịch sử không ngừng được phát huy trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và cả trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời gian trôi đi, nhưng nghiệm quý báu của Nam bộ kháng chiến vẫn luôn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử, góp phần soi sáng cho sự nghiệp cách mạng hôm nay và mãi mãi mai sau.
Theo TTXVN