Sáng mãi tấm lòng Phật hoàng

22/09/2014 15:00

Trong vở chèo, hình ảnh Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng là người ở trên ngôi cao nhất, uy quyền tuyệt đối...


Hình ảnh vua Trần Nhân Tông, vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử vì đã từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa được xây dựng đầy sức thuyết phục trong vở chèo mới của Nhà hát Chèo Hải Dương: “Tâm đức Phật hoàng".




Cảnh Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông giã biệt, dặn dò các cung nữ trước khi cho họ hồi hương


Là vở chèo về vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm, nằm trong chuỗi 3 vở chèo về thiền phái này nhưng “Tâm đức Phật hoàng” lại được dựng sau cùng. Thành công vang dội của “Chuông ngân rừng trúc” và “Huyền Quang tôn giả” đặt ra thử thách không nhỏ cho những người dàn dựng, biểu diễn “Tâm đức Phật hoàng”. Và thực tế đã chứng minh, vở diễn xứng đáng là viên ngọc sáng trong chuỗi ngọc những câu chuyện phi thường, đầy tính nhân văn về các vị tổ của Thiền phái Phật giáo đậm chất Việt Nam.

Trong thời gian 120 phút của vở diễn, hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng sinh động, đầy biến hóa, lúc trăn trở, đầy ưu tư, khi kiên quyết, cứng rắn, có khi lại ôn hòa, vị tha.
Vở chèo tái hiện lại quãng đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông kể từ khi ông rời bỏ ngai Thái thượng hoàng, một lòng quy y cửa Phật, cho tới khi trở thành vị tổ đầu tiên khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm. Trên chặng đường dài đầy gian nan thử thách ấy, ông bị giằng kéo giữa một bên là ước nguyện lánh xa cõi đời thờ Phật, một bên là tình hình đất nước, gia đình nhiều rối ren, trở ngại cần đến bàn tay lãnh đạo, coi sóc của ông. Đã có lúc ông phải tạm dừng con đường tu tập để trở về dìu dắt nhà vua. Song chính trong hành trình giải quyết mối mâu thuẫn ấy, ông đã thực sự giác ngộ và khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng xuyên suốt tu thân thành Phật, gắn đạo với đời.

Trong vở chèo, hình ảnh Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng là người ở trên ngôi cao nhất, uy quyền tuyệt đối còn hơn cả đương kim hoàng thượng nhưng cũng hết sức giản dị, gần gũi và quan tâm đến số phận con người. Cảnh đầu tiên trong vở chèo là cảnh ông nói lời từ biệt, dặn dò trước khi cho các cung nữ về quê. Khi đã xuất gia ở Yên Tử, nghe tin triều đình rối ren, các quan ăn chơi, người dân cực khổ, ông không đành lòng tiếp tục sự nghiệp tu tập của mình mà đã trở về lo cho dân cho nước. Những cám dỗ từ cuộc sống xa hoa vương giả, hay từ những thói đời trần tục không đủ sức lay động lòng ông, nhưng sự đau khổ, lầm than của muôn dân khiến ông không thể “mũ ni che tai” trong rừng trúc, bởi ông xuất gia cũng vì muốn đem lại thái bình cho thiên hạ. Thiền phái Trúc Lâm là sáng tạo của ông để giải quyết hài hòa hai con đường ấy, tư tưởng của Thiền phái được khái quát trong vở chèo bằng những câu dễ nhớ như: “Nhà nhà tích thiện, thiên hạ thái bình. Người người lương thiện, trăm họ trường sinh”. Trong thời gian 120 phút của vở diễn, hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng sinh động, đầy biến hóa, lúc trăn trở, đầy ưu tư, khi kiên quyết, cứng rắn, có khi lại ôn hòa, vị tha. Nhưng tất cả đều thống nhất với nhau tạo nên hình ảnh người đứng đầu Thiền phái đầy sức thuyết phục và thu hút sự theo dõi của người xem. Những nhân vật phụ như Hoàng thái hậu, quan thái giám, hai cung nữ được cử đi quyến rũ Thái thượng hoàng (sau đó cũng là những người đã trầm mình xuống suối để được ở bên Người chứ không chịu trở về) xuất hiện không nhiều nhưng cũng tạo được những dấu ấn riêng, đẩy kịch tính trong câu chuyện lên cao, làm tăng sức hấp dẫn của vở diễn.

“Tâm đức Phật hoàng” là vở chèo về đề tài lịch sử, giúp người xem hiểu biết về một vị Thái thượng hoàng tài năng, khoan hòa, nhân ái, về sự hình thành của Thiền phái Trúc Lâm với những tư tưởng xuyên suốt rất gần gũi với đời sống tinh thần truyền thống của người Việt. Biên kịch và đạo diễn đã thâu tóm khá tài tình cả một quãng thời gian dài với nhiều biến động lịch sử, những tư tưởng Phật giáo vĩ đại vào trong những lớp diễn súc tích, không kém phần gay cấn.

Xem bộ 3 vở chèo: “Chuông ngân rừng trúc”, “Huyền Quang tôn giả”, “Tâm đức Phật hoàng” (kịch bản tiến sĩ Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSƯT Bùi Đắc Sừ), khán giả được thấm nhuần tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, hiểu và thêm yêu kính những con người vĩ đại đã làm nên lịch sử. Trong đó, “Tâm đức Phật hoàng” là vở diễn được dựng sau cùng nhưng là nền móng vững chắc củng cố sự thành công cho cả ba vở diễn.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng mãi tấm lòng Phật hoàng