"Chỉ thị có ý nghĩa lớn là tạo chuyển động đầu tiên về tư duy như làm một cỗ xe nằm ỳ bắt đầu lăn bánh và anh Nghị là người có công lớn để đẩy cỗ xe về phía trước", đồng chí Nguyên chia sẻ.
Đồng chí Lê Thanh Nghị (thứ hai từ phải sang) về thăm lúa xuân tại xã Phạm Kha (Thanh Miện)
Trong rất nhiều công lao to lớn, việc đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng ký ban hành Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13.1.1981 đã tạo bước ngoặt trong đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nước ta những năm 80 của thế kỷ trước.
Thoát khỏi tư duy cũ
Những năm cuối thập kỷ 70, kinh tế nước ta giảm sút nghiêm trọng. Các cơ chế, chính sách trong các ngành kinh tế không còn phù hợp, kìm hãm sức sản xuất, phân phối, lưu thông trì trệ. Hình thức khoán việc cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, làm cho người nông dân ít quan tâm đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Tình trạng "dong công phóng điểm" diễn ra khá phổ biến. Hồi đó, mâu thuẫn giữa hai luồng quan điểm ủng hộ và phản đối thực hiện "khoán sản phẩm" diễn ra khá gay gắt. Một số địa phương "xé rào" thực hiện như ở Vĩnh Phúc không được chấp thuận, bị phê phán là làm yếu kinh tế tập thể, phục hồi sản xuất cá thể nên phải chấm dứt...
Tháng 8.1980, đồng chí Lê Thanh Nghị khi đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư nghe Ban Nông nghiệp Trung ương trình bày đề án về cơ chế quản lý HTX nông nghiệp. Từng nhiều năm làm Trợ lý, Thư ký cho đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Trần Đức Nguyên nhớ lại: "Cuộc họp có mời đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và 4 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Đa số ý kiến tại cuộc họp tán thành kiến nghị của Văn phòng Trung ương Đảng, nhưng một số đồng chí bác bỏ thẳng thừng. Thậm chí có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tuyên bố nếu dùng dây thép gai rào lại để ngăn khoán sản phẩm vào địa phương thì tốn mấy cũng làm".
Vốn tích cực ủng hộ "khoán sản phẩm" vì nắm rõ thực tế quần chúng, dựa vào những ý kiến đúng đắn và tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Lê Thanh Nghị đã kết luận giao Văn phòng Trung ương Đảng soạn thảo thông báo của Ban Bí thư. Thông báo số 22 ngày 14.8.1980 với 3 nội dung: tổ chức lại các HTX quá to, "khoán sản phẩm" đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp, vai trò và trách nhiệm của cấp huyện trong chỉ đạo và quản lý kinh tế nông nghiệp. "Khi nhận được thông báo, ở nhiều nơi, cấp ủy và thường vụ cấp ủy rục rịch ra nghị quyết về “khoán sản”. Tuy vậy, vẫn có những địa phương lấy cớ đây không phải là nghị quyết, chỉ thị bắt buộc mà chỉ là thông báo ý kiến, ai muốn làm thì làm, ai không muốn làm thì thôi để không tiếp thu ý kiến chỉ đạo mới của Ban Bí thư", đồng chí Nguyên chia sẻ.
Đến cuối tháng 12.1980, do tình thế sản xuất vụ chiêm xuân 1981 thúc bách, Ban Bí thư tiến hành triệu tập hội nghị cán bộ lãnh đạo các tỉnh ở miền Bắc và các ngành hữu quan ở Trung ương tại Hải Phòng để bàn dự thảo chỉ thị về "khoán sản phẩm". Sau hội nghị, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư và ký Chỉ thị về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp. Chỉ thị được ban hành ngày 13.1.1981 và mang số 100-CT/TW nên cơ chế "khoán sản phẩm" này thường được gọi tắt là "khoán 100".
Khóc vì dân được ấm no
Đồng chí Trần Đức Nguyên cho biết quá trình để Chỉ thị 100 được ban hành rất căng thẳng. Trước khi đặt bút ký, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng các cán bộ tham mưu phải xem đi xem lại từng chữ của Chỉ thị. Lúc đầu dự thảo nói thẳng là khoán đến hộ gia đình, nhưng chữ “khoán hộ” lúc đó rất kiêng kỵ nên thay bằng cụm từ "khoán đến nhóm lao động và lao động xã viên”. "Phải mất 15 năm từ khi cơ chế này được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra nghị quyết áp dụng (năm 1966) cho đến khi được công nhận trong Chỉ thị 100 với không ít những sự quy kết, thi hành kỷ luật oan sai. Chỉ thị có ý nghĩa lớn là tạo chuyển động đầu tiên về tư duy như làm một cỗ xe nằm ỳ bắt đầu lăn bánh và anh Nghị là người có công lớn để đẩy cỗ xe về phía trước", đồng chí Nguyên chia sẻ.
TP Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu "làm chui" khoán sản phẩm và thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư. Đồng chí Lê Thanh Nghị đã nhiều lần về thăm, kiểm tra tình hình thực hiện tại đây. Đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhớ lại: "Sau khi Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ban hành được 6 tháng, anh Nghị gọi tôi lên hỏi tình hình thực hiện. Tôi báo cáo là anh yên tâm, trúng rồi đó, quần chúng phấn khởi, lúa tốt lắm! Anh hỏi lại tôi: Sao họ nói quá thể, nhất là Ban Nông nghiệp Trung ương báo cáo, nhiều nơi phá bỏ bờ vùng, bờ thửa đã quy hoạch... Họ kêu lắm! Tôi báo cáo anh: Một số anh em chưa thông với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư nên hay tập hợp những mặt tiêu cực, đôi khi còn nói vống lên... Anh yên tâm là tôi báo cáo đúng, không một chiều.... Nghe xong anh Nghị dặn tôi có gì khó khăn phải cho biết ngay".
Từ "khoán 100", đến tháng 4.1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 coi hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định trong nhiều năm, được tự quyết định việc canh tác trên diện tích được giao, được làm chủ sản phẩm làm ra... Câu chuyện về "khoán sản", "khoán chui" mới kết thúc. Năm 1989, khi làm Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại, ký chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên, đồng chí Đoàn Duy Thành đến báo cáo đồng chí Lê Thanh Nghị. "Thấy tôi báo cáo, anh Nghị ngẫm nghĩ rồi rưng rưng nước mắt. Chị Nghị bảo: Bây giờ Ba (chị Nghị thường gọi anh Nghị bằng Ba) phải vui chứ! Có gạo ăn rồi, lại có gạo xuất khẩu không phải đi xin nữa, sao Ba lại khóc... Một người địch tra tấn, đánh đập, không một tiếng kêu, bình tĩnh, thản nhiên, nhưng khi dân có gạo ăn lại khóc. Khóc vì sung sướng khi nhân dân được ấm no", đồng chí Đoàn Duy Thành xúc động khi nhớ về người đồng chí, người suốt cuộc đời bất chấp mọi gian nguy, lo cho nước, cho dân.
HOÀNG BIÊN