2 sáng kiến "Thiết bị múc, đổ dừa tự động và "Thiết bị thổi bụi và côn trùng" đã góp phần làm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Thiết bị múc, đổ dừa tự động làm lợi khoảng 3 tỷ đồng/năm
2 sáng kiến "Thiết bị múc, đổ dừa tự động và "Thiết bị thổi bụi và côn trùng" của cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Long Hải (Gia Lộc) đã góp phần làm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thuần, Quản đốc phân xưởng phụ trợ của Công ty TNHH Long Hải là người sáng chế ra thiết bị múc, đổ dừa tự động. Anh Thuần cho biết: "Từ khi đưa thiết bị này vào sử dụng, số lượng công nhân đã giảm từ 86 người xuống 43 người. Chi phí trả lương, bảo hiểm y tế, chi phí tăng ca, ăn trưa... đều giảm, góp phần làm lợi cho công ty khoảng 3 tỷ đồng/năm. Công nhân cũng không phải vất vả như trước mà chủ yếu là ngồi quan sát máy móc để điều chỉnh cho phù hợp".
Để làm ra một sản phẩm thạch dừa đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn, trong đó có công đoạn múc, đổ từng miếng thạch theo kích cỡ nhất định để đưa vào cốc. Trước đây, công đoạn này làm hoàn toàn thủ công. Công ty bố trí 2 người/dây chuyền để múc thạch đổ vào cốc. Do dây chuyền chạy liên tục, lao động ở bộ phận này phải rất nhanh tay, nhanh mắt, theo sát dây chuyền nên rất mệt mỏi nhưng tình trạng cốc thạch không có nhân vẫn còn xảy ra.
Là người gần gũi, thấu hiểu những vất vả của công nhân, anh Thuần luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, đồng thời nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm. Vì thế, anh đã dày công nghiên cứu tài liệu liên quan đến thiết bị tự động để làm ra máy múc và đổ thạch dừa tự động. Từ khi ấp ủ ý tưởng đến khi hoàn thiện dây chuyền, đã không dưới 10 lần anh Thuần bị thất bại. Sau những lần hỏng đó, anh tìm ra chỗ khiếm khuyết để chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Năm 2011, công trình "Thiết bị múc, đổ dừa tự động" của anh hoàn thành và chính thức được công ty đưa vào sử dụng. Ưu điểm của thiết bị này là khắc phục được tình trạng không bỏ kịp nhân dừa như trước đây. Do công đoạn này tự động nên công ty chỉ cần phải bố trí một lao động để quan sát và điều chỉnh máy. Chị Hoài, công nhân phân xưởng cho biết: "Trước đây, làm việc ở dây chuyền múc nhân dừa tôi luôn mệt mỏi, mắt cứ phải chăm chú quan sát, tay thì liên tục phải múc và đổ nên rất chóng mặt và mỏi tay. Từ khi có thiết bị tự động, chúng tôi được giải phóng chân tay, nhàn hơn rất nhiều".
Từ sáng kiến của anh Thuần, một số cán bộ, công nhân trong công ty đã tích cực nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp kỹ thuật ứng dụng nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất. Tiêu biểu là sáng kiến "Thổi bụi và côn trùng" của anh Nguyễn Văn Mừng, Tổ trưởng Tổ cơ điện.
Trước đây, các cốc dùng để đựng nguyên liệu phải trải qua nhiều khâu nghiêm ngặt để kiểm tra, bảo đảm sạch sẽ. Do chỉ kiểm tra bằng mắt thường nên công nhân ở khâu này phải "căng mắt" ra để nhìn từng chiếc cốc xem có côn trùng hay vật thể lạ trong cốc hay không. Máy chạy nhanh, một dây chuyền có nhiều cốc nên công nhân làm cật lực nhưng vẫn xảy ra sai sót. Từ khi áp dụng máy thổi bụi và côn trùng, những thiếu sót được khắc phục hoàn toàn. Anh Mừng đã sử dụng hệ thống quạt gió tốc độ mạnh để quạt trực tiếp vào từng chiếc cốc theo nguyên lý quạt từ dưới lên. Anh bố trí một lớp lưới để hứng bụi bẩn và côn trùng. Vì gió được đẩy từ dưới lên nên sẽ không lo bụi bặm, côn trùng rơi xuống dưới.
Để có được sản phẩm trên, anh Nguyễn Văn Mừng cũng phải mày mò, học hỏi rất nhiều. Trải qua khoảng 6-7 lần thất bại, anh mới cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Anh Mừng cho biết: "Tôi thấy anh em công nhân rất vất vả, hay xảy ra sai sót. Mỗi lần có sản phẩm bị lỗi, lại phải tiêu hủy gây tốn công sức, chi phí. Từ đó, tôi nghĩ phải tìm ra loại máy móc có thể khắc phục được các nhược điểm trên, tăng hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động. Từ khi đưa dây chuyền vào sản xuất, công ty đã tiết kiệm được 400 triệu đồng/năm tiền tiêu hủy sản phẩm lỗi".
Với những sáng tạo của mình, anh Thuần và anh Mừng nhận được bằng khen, giấy khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh. Một số công ty sản xuất thạch trong và ngoài nước đã đến Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải học tập kinh nghiệm để áp dụng.
PV