Trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt, Iran vừa mới công bố Sáng kiến hòa bình Hormuz nhằm bảo đảm an ninh cho tuyến vận chuyển dầu huyết mạch.
Xuồng tuần tra của Iran di chuyển trên eo biển Hormuz. Ảnh: IRNA
Động thái này được cho là sự nghiêm túc của Iran trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định và an ninh của vùng Vịnh khi mà những căng thẳng tại khu vực này vẫn không ngừng gia tăng thời gian qua.
Quan hệ Mỹ-Iran vẫn căng thẳng
Còn nhớ cách đây hơn 4 năm, vào tháng 7.2015, Nhóm P5+1 gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức và Iran đã ra công bố về thành tựu của “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (gọi tắt là JCPOA) mà nhóm này đã đạt được với chính quyền Tehran. Thỏa thuận này quy định về việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân Iran.
Theo JCPOA quy định, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên JCPOA chỉ tồn tại được trong vòng 3 năm sau đó, cho đến ngày 8.5.2019, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, đặc biệt là kế hoạch “đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0” .
Từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Iran đã leo thang căng thẳng. Mỹ đã liên tục gia tăng mức độ và mở rộng lĩnh vực trừng phạt đối với Iran, nhằm mục đích ép Iran ngồi vào bàn đàm phán một thỏa thuận mới, nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa thành công với mục tiêu này.
Để gây áp lực buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ.
Mới đây nhất, ngày 25.10, Mỹ đã đề nghị các chính phủ nước ngoài trình báo cáo chi tiết hoạt động xuất khẩu của Iran. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã liệt Iran vào “danh sách đen” về rửa tiền, đồng nghĩa với việc cấm mọi giao dịch của Mỹ với các ngân hàng Iran, ngoài ra còn phủ bóng lên những nỗ lực của châu Âu trong hợp tác thương mại với Iran.
Tiếp đó, ngày 30.10, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Mỹ và 6 nước khác gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã áp đặt các lệnh trừng phạt với 25 tập đoàn, ngân hàng và những người liên quan tới sự hỗ trợ của Iran với các mạng lưới phiến quân, trong đó có Hezbollah.
Ngày 31.10, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xây dựng tại Iran và một số vật liệu nhất định đang được sử dụng liên quan tới quân đội và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Cụ thể, xây dựng sẽ là ngành kinh tế quan trọng của Iran tiếp tục bị ảnh hưởng do biện pháp trừng phạt.
Liên quan đến lĩnh vực này, lệnh cấm được áp đặt đối với việc bán, cung cấp hoặc chuyển giao cho Iran các kim loại thô quan trọng như than chì, than và phần mềm sử dụng trong lĩnh vực này. Ngoài ra, 4 loại vật liệu mà theo Mỹ đánh giá là có thể được sử dụng trong các chương trình hạt nhân hoặc tên lửa cũng sẽ bị cấm.
Quyết định trừng phạt mới trong lĩnh vực xây dựng của Mỹ đối với Iran đã phản ánh việc Mỹ vẫn cố gia tăng sức ép kinh tế đối với Iran, trong khi vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.
Trong khi đó, về phía Iran, nhằm trả đũa chính sách "gây sức ép tối đa" của Mỹ, từ tháng 5 đến nay, Iran cũng đã có một số bước đi nhằm giảm dần các cam kết của mình đối với thỏa thuận JCPOA. Đó là ba bước đi như tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67%; lượng urani làm giàu cấp thấp vượt ngưỡng 300 kg; tái khởi động các máy ly tâm tiên tiến để tăng lượng dự trữ urani làm giàu. Về lý thuyết, các máy ly tâm tiên tiến có thể giúp Iran làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Mới đây, ngày 30.10, Iran cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện bước đi thứ tư để giảm cam kết hạt nhân nếu các yêu cầu của Tehran không được đáp ứng trong các cuộc đàm phán với các thành viên còn lại tham gia JCPOA.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Khamenei cũng đã cấm việc tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Sáng kiến hòa bình Hormuz - chiến thuật của Iran nhằm làm đối trọng với Mỹ
Kể từ tháng 7, Mỹ đã bắt đầu tập hợp một liên minh riêng do nước này đứng đầu nhằm duy trì an ninh ở khu vực vùng Vịnh trước cái mà Mỹ cho là mối đe dọa từ Iran.
Đến nay, liên minh này của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Arab Saudi, UAE, Anh, Australia, song bị Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy và Hàn Quốc, Iraq từ chối.
Trước động thái này, Iran đã lên án sáng kiến thiết lập liên minh an ninh hàng hải của Mỹ ở eo biển Hormuz và khẳng định an ninh vùng Vịnh phải do các nước ở khu vực duy trì.
Trong bối cảnh đó, mới đây, vào ngày 2.11, Iran đã gửi bản kế hoạch do nước này đề xướng để “tái lập hòa bình” đối với eo biển Hormuz tới các quốc gia trong khu vực thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iraq, đồng thời bày tỏ sẵn sàng đối thoại với các nước về kế hoạch này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi, văn bản đầy đủ của sáng kiến hòa bình Hormuz trên có tên là "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz" (viết tắt là HOPE) đã được gửi đến các thành viên của GCC và Iraq. GCC gồm 6 nước, đều là đồng minh của Mỹ, là Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Kuwait, Qatar và Oman.
Bản kế hoạch mang tên HOPE đã được Tổng thống Iran Hassan Rouhani giới thiệu tại phiên họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Kế hoạch này được Iran cho là nhằm bảo đảm an ninh tại eo biển Hormuz cũng như thiết lập một nền hòa bình và hợp tác lâu dài trong khu vực.
Bản kế hoạch trên được Iran khởi thảo vào thời điểm Mỹ cũng đang cố gắng tập hợp một liên minh riêng do nước này đứng đầu nhằm bảo vệ eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh khỏi cái mà Washington cho là “mối đe dọa từ Iran”. Chính vì vậy mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã nhấn mạnh rằng việc Iran đưa ra kế hoạch hòa bình đối với eo biển Hormuz tới các quốc gia trong khu vực lần này cho thấy sự nghiêm túc của Iran trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định và an ninh của vùng Vịnh, đồng thời cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng gửi thư tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề này.
Tổng thống Rouhani cũng khẳng định tất cả các quốc gia tại vùng Vịnh, ven eo biển Hormuz và cả Liên hợp quốc đều có thể tham gia sáng kiến và Tehran tỏ ý sẵn sàng đối thoại với các nước trong khu vực về kế hoạch này.
Theo ông Rouhani, kế hoạch tạo lập liên minh hy vọng (HOPE) của Iran nhằm mục đích củng cố “nội lực” và sự đoàn kết của các quốc gia trong khu vực vùng Vịnh, thay vì phải “nhờ” tới sự can thiệp từ bên ngoài. Ông Rouhani cũng khẳng định để làm dịu căng thẳng tại vùng Vịnh hiện nay thì chỉ có sự đoàn kết của các nước trong khu vực mới thực sự là giải pháp quyết định cho an ninh và hòa bình. Sự “góp mặt” của các thế lực bên ngoài khu vực đều mang lại những bất ổn.
Chưa rõ đề xuất của Iran sẽ nhận được hồi đáp ra sao của các nước ở khu vực, nhưng dù sao nỗ lực này cũng được xem là có thể góp phần mở ra cơ hội để các nước trong khu vực chung tay và đoàn kết giải quyết vấn đề của chính mình.
Giới phân tích nhận định rằng hành động này của Iran cho thấy một nỗ lực đầy thiện chí của nước này để giải quyết vấn đề an ninh hàng hải qua eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu huyết mạch, chiếm tới gần 40% lượng đầu xuất khẩu trên toàn cầu từ rốn dầu lớn nhất thế giới là Trung Đông.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Mỹ đang ra sức lôi kéo một số quốc gia tham gia liên minh hàng hải, bao gồm cả những nước ngoài khu vực, thì việc Iran đưa ra sáng kiến HOPE được xem như một chiến lược của Iran nhằm làm đối trọng với liên minh của Mỹ. Điều này cho thấy hai quốc gia đối địch đang cùng “chơi một trò chơi giống nhau”, đó là lôi kéo các đồng minh cùng tham gia. Điều này rất có thể khiến căng thẳng ở vùng Vịnh bị đẩy lên cao trào.
Các nhà phân tích cho rằng sách lược lôi kéo thêm đồng minh của cả Mỹ và Iran trước mắt có thể sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trực diện giữa Mỹ và Iran. Nhưng khi căng thẳng chưa có “hồi kết” thì những hành động đáp trả bằng vũ lực có thể sẽ gia tăng ở Yemen, Liban, Syria - vùng chiến sự giữa những lực lượng luôn có “bàn tay” hậu thuẫn của Mỹ và Iran.
Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng nếu Sáng kiến hòa bình Hormuz của Iran khả thi, thì đây sẽ là sự bảo đảm cho an ninh năng lượng thế giới, mở đường cho Iran tiếp tục được phép xuất khẩu dầu mỏ, quan trọng hơn nữa là nó có thể là tiền đề quan trọng để Iran và Mỹ tiếp tục bàn bạc tiếp về những vấn đề khác trong thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Cánh cửa đàm phán vì thế chưa hẳn đã khép lại. Tổng thống Iran khi nói về sáng kiến “HOPE” (Hy vọng) nêu trên cũng khẳng định Iran mong muốn hòa bình cho khu vực và sẵn sàng thảo luận với các nước với sự tham gia của Liên hợp quốc trong tiến trình này.
Đàm phán cũng chắc chắn là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không từ chối nếu thời cơ chín muồi.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ và Iran giơ cao “vũ khí” như hiện nay chỉ càng chứng tỏ hai nước đều có nhu cầu ngồi vào bàn đàm phán và cả hai dường như đều muốn tới bàn đàm phán với lợi thế nghiêng về phía mình thông qua những hành động “nắn gân” lẫn nhau như đã thấy. Tuy vậy, căng thẳng gia tăng đỉnh điểm cũng có thể tạo ra hy vọng cho giải pháp ngoại giao nếu cả Mỹ và Iran biết cùng nhau nắm bắt.
Theo TTXVN