Với phần mềm và thiết bị do anh Tụ chế tạo, chỉ cần 1 nhân viên trực ở trạm viễn thông trung tâm có thể điều khiển nhiều trạm viễn thông khác nhau.
Anh Trần Văn Tụ kiểm tra phần mềm của mô hình trạm viễn thông không người trực
Ý tưởng trạm viễn thông không người trực được anh Trần Văn Tụ, nhân viên Trung tâm Viễn thông Bình Giang đưa ra trong bối cảnh ngành viễn thông triển khai lắp đặt ngày càng nhiều các trạm truy nhập viễn thông (trạm MSAN) để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Các trạm viễn thông này cần có người trực 24 giờ trong ngày để bảo đảm cho hệ thống hoạt động bình thường. Với mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng cho 1 người trực ở mỗi trạm viễn thông như hiện nay, nếu chỉ 100 trạm áp dụng mô hình trạm viễn thông không người trực, mỗi năm tiết kiệm được 3,6 tỷ đồng. Sau nhiều năm trăn trở, anh Tụ đã hoàn thành phần mềm và hệ thống bảng mạch có thể giám sát và điều khiển các thiết bị từ xa. Khác với ca-mê-ra IP, “hộp đen” ô-tô... chỉ có thể giám sát hành trình, hệ thống phần mềm và bảng mạch của anh Tụ có thể theo dõi, đề, tắt máy nổ và chuyển đổi nguồn điện khi mất điện và có điện trở lại, thực hiện giám sát cảnh báo cháy, nổ, các hoạt động của thiết bị, giám sát cảnh báo sự cố cáp, việc đóng mở cửa nhà trạm, xác định nhiệt độ phòng máy, chuyển tải dữ liệu về trung tâm để xem và nghe được hình ảnh, âm thanh tại các trạm viễn thông đang theo dõi… Như vậy, chỉ cần 1 nhân viên trực ở trạm viễn thông trung tâm có thể giám sát, điều khiển và xử lý sự cố ở nhiều trạm viễn thông khác nhau.
Để vận hành hệ thống giám sát và điều khiển từ xa, các trạm viễn thông cần phải lắp đặt thiết bị phần cứng và phần mềm. Phần cứng là hệ thống bảng mạch được lắp tại các trạm viễn thông cần theo dõi. Phần mềm được cài đặt vào máy tính tại trạm trung tâm điều khiển. Toàn bộ dữ liệu từ các trạm cần theo dõi được truyền dẫn về trạm trung tâm thông qua mạng VPN, Ethernet (tương tự như mạng LAN của máy tính, nhưng cự ly truyền dẫn xa hơn). Chi phí lắp đặt các thiết bị phần cứng tại mỗi trạm không lớn, chỉ khoảng 2 triệu đồng và có thể sử dụng trong nhiều năm. Riêng phần mềm được cài đặt 1 lần, sử dụng cho nhiều máy. Sáng kiến này của anh Tụ có thể áp dụng ở 2 cấp độ. Đối với cấp huyện, nếu đã cài đặt các thiết bị, tại trạm điều khiển trung tâm chỉ cần 1 nhân viên trực là có thể giám sát và điều khiển tất cả các trạm viễn thông trong huyện. Tương tự, đối với cấp tỉnh, một nhân viên duy nhất trực tại trung tâm điều khiển tỉnh có thể vận hành tốt tất cả các trạm viễn thông trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc VNPT Hải Dương cho biết: “Sáng kiến của anh Tụ có tính ứng dụng cao, giúp VNPT tiết kiệm được nhiều chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. VNPT Hải Dương đang áp dụng sáng kiến này”. Tự hào về sáng kiến của nhân viên, ông Vũ Văn Tin, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông Bình Giang cho biết: “Sinh năm 1980, dù chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp Học viện Bưu chính Viễn thông và là nhân viên trực tổng đài nhưng anh Tụ luôn tìm tòi, học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến hay, trong đó sáng kiến trạm viễn thông không người trực đang được áp dụng hiệu quả tại Trạm viễn thông xã Thái Học và Thái Dương”.
Ghi nhận tính khả thi của sáng kiến, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã trao tặng giải nhì Giải thưởng Vifotec lần thứ 10 cho anh Tụ. Anh Tụ cho biết: "Tôi nảy ra sáng kiến này khi trực tiếp phải tham gia trực tại các trạm viễn thông. Tôi nghĩ, tại sao không tạo ra thiết bị thay thế con người? Sau 2 tháng trực tiếp tìm tòi tư liệu về lập trình, tôi đã viết thành công phần mềm của hệ thống. Về phần cứng, tôi dựa vào nguyên lý đấu nối hệ thống bảng mạch, tìm mua các thiết bị phù hợp, một số thiết bị phải lên Hà Nội mới mua được. Sau đó, tôi đấu nối và cho chạy thử nhiều lần. Tích hợp với hệ thống phần mềm để tạo thành hệ thống hoàn chỉnh". Hiện tại, anh Tụ đang phối hợp với một số công ty phát triển ứng dụng này cho nhiều loại hình dịch vụ khác.
THÚY HÀ