Sáng 7-3: Xử vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm

07/03/2014 09:41

Sáng 7-3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.



Các bị cáo tại tòa - Ảnh: T.L

Chủ tọa phiên tòa là bà Nguyễn Bích Ngân, thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

7 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gồm:

- Vương Thị Kim Thành (55 tuổi, Trưởng khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức)

- Nguyễn Thị Ngà (30 tuổi),

- Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi),

- Nguyễn Thị Hồng Nhung (24 tuổi),

- Vương Thị Lan (26 tuổi),

- Nguyễn Đồng Sơn (25 tuổi),

- Nguyễn Thị Xuyên (53 tuổi)

Các bị cáo này đều là nhân viên khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

2 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm:

- Nguyễn Trí Liêm (52 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức)

- Nguyễn Thị Nhiên (55 tuổi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức).

Bà Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên khoa xét nghiệm, người có đơn tố cáo trong vụ án) đến tòa với tư cách người làm chứng.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 1-8-2012 đến ngày 31-5-2013, Vương Thị Kim Thành, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn và Nguyễn Thị Xuyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định: làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu), sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho bệnh nhân.

Cụ thể, các bị cáo đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong đó có 1.544 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau.

Tổng cộng có 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống được đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, gây thiệt hại cho Bảo hiểm Xã hội huyện Hoài Đức- Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội số tiền hơn 16 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được đưa về bệnh viện và chia cho cán bộ công nhân viên.

Bị cáo Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

Nhiều cán bộ liên quan bị xử phạt hành chính

Cáo trạng nhận định những người liên quan trong vụ án gồm ông Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Hoài Đức, ông Phó Đình Nam và bà Nguyễn Thị Phương là cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện Hoài Đức, thường trực giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không làm đúng, đủ quy trình hồ sơ thanh toán BHYT nên không phát hiện được hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT không hợp lệ.

Tuy nhiên, những người này không biết việc in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ và không được hưởng lợi gì từ việc này, số tiền bảo hiểm chi trả là không lớn. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội không xử lý bằng pháp luật hình sự mà có văn bản kiến nghị Cơ quan bảo hiểm xã hội TP Hà Nội có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Ngày 26-11-2013, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Quang Ánh, ông Phó Đình Nam và bà Nguyễn Thị Phương. 

Người tố cáo bị tố cáo ngược lại

Vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức được phanh phui nhờ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Oanh (nhân viên khoa xét nghiệm).

Theo cáo trạng, quá trình điều tra vụ án, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bị can Nguyễn Trí Liêm và một số bị can khác tố cáo chị Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Oanh có hành vi lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách.

Công an TP Hà Nội xác định có 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau do chị Hoàng Thị Nguyệt ký nhưng xét thấy chị Nguyệt là người chủ động tố giác sự việc nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý sai phạm của chị Nguyệt trong vụ án mà tách ra để điều tra, làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ xử lý sau.

Đối với bị can Phan Thị Oanh có hành vi in khống 18 kết quả xét nghiệm huyết học nhưng cơ quan điều tra xét thấy bị can Oanh là một trong những người tham gia ký tên vào đơn tố giác sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, đã hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.

Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Phan Thị Oanh về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Cáo trạng xác định trong vụ án này, thiệt hại về tiền bảo hiểm xã hội là không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào bị tổn hại về sức khỏe do sử dụng các phiếu xét nghiệm trùng nhưng hành vi sai trái của các bị can đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của nghành Y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng, gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ, gây dư luận xấu trong xã hội.

Quy định về công tác xét nghiệm

- Bác sĩ và kỹ thuật viên tiến hành làm các xét nghiệm theo đúng quy định kỹ thuật, thực hiện kỹ thuật phải bảo đảm chính xác, trung thực

- Trước khi trả kết quả, xét nghiệm trưởng labo hoặc viên chức có trình độ kỹ thuật cao nhất có trách nhiệm kiểm tra lại kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp có kết quả nghi vấn phải báo cáo trưởng khoa để đối chiếu lâm sàng, khi cần thiết phải xét nghiệm lại.

- Trưởng khoa xét nghiệm phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm và ký trước khi trả kết quả cho khoa điều trị, bệnh phẩm còn lại chỉ được hủy sau khi trưởng khoa đã ký duyệt.

(Theo Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo quyết định của Bộ Y tế, số 1895 ngày 19-9-1997)

(Nguồn: Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng 7-3: Xử vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm