Hải Dương là một địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Qua hơn hai năm sau khi thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ cùng với Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, hiệu quả trong việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, một thực tế về thị trường đầu ra của hàng hóa nông nghiệp: Con đường từ ruộng vườn, chuồng trại đến tay người tiêu dùng của nông sản Hải Dương đến giờ vẫn còn là vấn đề nan giải.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng khá: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,1%/năm. Sản xuất hàng hóa nông nghiệp phát triển, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 95 triệu đồng năm 2010 lên trên 125 triệu đồng năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 31 triệu đồng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái. Ảnh: tuoitre.vn
Chênh lệch giá bán, hạn chế thị trường
Với 104.000ha đất nông nghiệp, Hải Dương có nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất và tiêu thụ các nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực. Song, sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt một số cây ăn quả có thế mạnh nói riêng (vải, ổi, na,…) của Hải Dương hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề phân phối, tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuệ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương: “Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng lớn nhất vẫn là tình trạng giá cả có sự chênh lệch lớn giữa người sản xuất và tiêu dùng, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng thu hoạch còn bị động theo thời vụ. Việc liên kết trong chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn ít. Việc phân phối nông sản tại các địa phương trong tỉnh qua các kênh tiêu thụ thường vẫn không qua hợp đồng nên giá cả bấp bênh, tư thương ép giá, mối liên kết thu mua giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ... từ đó dẫn tới tình trạng thu không đủ bù đắp chi phí, gây thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như cho nền kinh tế”.
Thực tế hiện nay, giá bán các loại nông sản luôn có sự chênh lệch lớn từ người sản xuất nông sản hàng hóa cho đến tay người tiêu dùng. Công nghệ bảo quản, chế biến nông sản còn chưa đạt yêu cầu dẫn đến chất lượng hàng hóa nông sản của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế và trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn
Phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm và thủy sản luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, thông qua các chương trình nông nghiệp trọng điểm đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, tỉnh cũng luôn quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đã bố trí kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất..., tham gia các hội chợ giới thiệu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở trong nước và quốc tế; hỗ trợ một số doanh nghiệp phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm như: Vải thiều Thanh Hà, Hành-tỏi Kinh Môn, Gà Chí Linh...
Vải thiều Hải Dương. Ảnh: thanhnien.vn
Phát biểu ý kiến với các nhà đầu tư và giới truyền thông, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp và tìm đầu ra cho các sản phẩm liên quan luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và tìm hướng phát triển. Đó cũng là tiềm năng và cơ hội đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hải Dương luôn nhiệt tình chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương thời gian qua và những năm tiếp theo”.
Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, rất cần các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản một cách lâu dài. Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Cần có chính sách phù hợp và quan tâm hơn nữa tới việc phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân; đồng thời nâng cao vị thế các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên thị trường nội địa và tại thị trường nước ngoài”.
Cũng theo đồng chí, cần thực thi các giải pháp về cung nông sản, trong đó đẩy mạnh và mở rộng sự phân công và phân công lại lao động xã hội gần với xây dựng và điều chỉnh cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp hợp lý trên địa bàn tỉnh; xây dựng các hộ nông dân thành đơn vị sản xuất hàng hóa gắn liền với kinh tế hợp tác và kinh tế Nhà nước; huy động khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn vốn hiện có cho phát triển sản xuất nông sản hàng hóa; đào tạo và đào tạo lại các kỹ sư nông nghiệp, các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp về thị trường tiêu thụ nông sản, trong đó bao gồm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp cho năng suất và chất lượng cao; giải pháp về kênh tiêu thụ nông sản đặc trưng của tỉnh; giải pháp về chi phí và giá nông sản dựa trên nguyên tắc về lợi nhuận; doanh thu và chi phí.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp nêu trên, nông nghiệp Hải Dương sẽ gặt hái được nhiều thành quả, đặc biệt là những thời cơ vàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
LAN PHƯƠNG(Quân đội nhân dân)