Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP

31/08/2022 18:21

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP có 252 tiêu chí, bao gồm 36 tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được cấp chứng nhận và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện.

Tiêu chuẩn GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice) là tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng cho sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch cho nông sản (bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản) trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu của GlobalGAP là sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững để mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. 

Lợi ích cho nhà sản xuất:

- Tiêu chuẩn GlobalGAP là tiêu chuẩn thực phẩm sạch quốc tế, giúp nhà sản xuất tăng giá trị sản phẩm.

- Gia tăng cơ hội kinh doanh, là chìa khóa đưa các doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

- Thiết lập lòng tin giúp thu hút sự chú ý của khách hàng, nổi bật trong cạnh tranh.

- Hạn chế rủi ro liên quan đến các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý.

Lợi ích cho người tiêu dùng:

- Người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng cũng như độ an toàn so với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Bảo đảm sức khỏe cho khách hàng với các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu.

- Theo yêu cầu bắt buộc, GlobalGAP giúp khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc sản xuất của sản phẩm.

Các yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn GlobalGAP

- Bảo đảm nguồn đất phải được cải tạo, làm sạch trước khi thực hiện canh tác. Hệ thống nước tưới sạch sẽ, không bị ô nhiễm.

- Độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng, đặc biệt là giống cây trồng phải được chọn lựa kỹ càng, bảo đảm sạch bệnh và có chất lượng tốt nhất. Thực hiện nghiêm túc kiểm tra nguồn gốc giống cây trồng ngay từ ban đầu sẽ giúp cho năng suất sau này tăng cao hơn và không mắc bệnh hại.

- Một trong các yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalGAP là hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học khi canh tác để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nông nghiệp đối với môi trường xung quanh và duy trì tuổi thọ đất nông nghiệp.

- Trong canh tác chỉ được phép sử dụng những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng. Hiện nay, vẫn khuyến cáo các nông trại sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ để bảo đảm an toàn cho người lao động, người sử dụng sản phẩm và không gây hại đến môi trường.

- Để áp dụng tốt GlobalGAP, cần quan tâm đầu tư nguồn giống tốt. Cùng với đó trong cả quá trình nuôi trồng thì nông trại cần phải ghi chép về toàn bộ quá trình của chuỗi thực hành sản xuất. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển sản phẩm GlobalGAP.

- Bảo đảm những tiêu chuẩn về “Hệ thống quản lý chất lượng” (QMS), “Quản lý dịch hại tổng hợp” (IPC), “Quản lý cây trồng tổng hợp” (ICM) và “Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP).

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP