Chiều 11.12, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ thảo luận. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.
Bà Phạm Thị Thu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Bà Phạm Thị Thu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 mà UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp này, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng âm khiến ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bà Bình đề nghị tỉnh cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. "Việc này vừa nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp vừa tránh được tình trạng bỏ ruộng, bỏ đất hiện nay", bà Bình nói.
Đồng quan điểm với bà Bình, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. "Hiện tỉnh mới chỉ ra định mức hỗ trợ 6.000m2 nhà màng, nhà lưới mỗi năm. Định mức này quá thấp. Riêng huyện Kinh Môn trong năm 2017 đã đầu tư trên 2.000m2. Vậy còn nhu cầu của các địa phương khác thì sao", đại biểu Hùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Hùng cho biết, tỉnh cần quan tâm hơn đến xuất khẩu nông sản ngoài cây vải thiều. Theo đại biểu Hùng, những năm 90 của thế kỷ trước, cây tỏi của Kinh Môn đã xuất sang châu Âu nhưng hiện nay mới chỉ được biết đến trong huyện, trong tỉnh. Tỉnh cũng cần có định hướng phát triển nông nghiệp, tránh tình trạng sản phẩm nào phát triển thì tất cả các địa phương cùng sản xuất dẫn đến tình trạng dư thừa như cá, lợn thời gian vừa qua. Nên định hướng mỗi xã hoặc 1-2 xã, 1 huyện phát triển một sản phẩm nông nghiệp riêng biệt để đa dạng hóa sản phẩm, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) cho biết, những năm qua, huyện Ninh Giang cử cán bộ đi công tác ở nhiều tỉnh, đưa nhiều giống mới vào canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây mới chỉ là nỗ lực của huyện. Đại biểu Khảnh đề nghị tỉnh cần triển khai đưa những bộ giống mới vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) cho biết, năm 2017, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta không tăng so với năm 2016. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có việc giá lợn, giá cá giảm sâu trong thời gian dài. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cần có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, coi trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Khó khăn trong xây dựng NTM
Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang)
Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định năm 2018 sẽ rất khó khăn cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) bởi những xã về xây dựng NTM giai đoạn này đều rất khó khăn trong khi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh năm 2018 giảm từ 7 tỷ đồng/xã (năm 2017) xuống còn 5 tỷ đồng/xã.
Đại biểu Trịnh Thúy Nga (Ninh Giang) cho biết, hầu hết các xã mới đạt từ 11 - 13 tiêu chí. Trong khi đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ giảm sẽ rất khó khăn. "Có xã đã 20 năm nay không bán được mét đất nào nên rất khó có nguồn lực để xây dựng NTM", đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) nói.
Chia sẻ khó khăn với các đại biểu Nga, đại biểu Đặng Việt Cường (Ninh Giang) cho biết, những xã về sau sẽ càng khó khăn khi tiêu chí thấp, cần nhiều tiền nhưng tiền ngân sách tỉnh hỗ trợ lại giảm. Những xã về đích sau, đất rất khó bán, thậm chí có nơi tổ chức đấu giá nhiều lần không bán được.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần "nối lại" việc hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng cho nông dân. Đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành) cho biết, trước kia tỉnh hỗ trợ xi măng nên phong trào làm đường ra đồng của người dân lên rất cao. Với sự hỗ trợ xi măng, nhiều gia đình đóng góp 3-4 triệu đồng/khẩu, có gia đình hỗ gần 100 triệu đồng để làm đường ra đồng, đường nội đồng. Tuy nhiên, sau khi tỉnh cắt hỗ trợ tiền xi măng nhiều tuyến đường đã làm xong cốt nền, bảo đảm tiêu chuẩn nhưng đành phải gác lại.
Đồng quan điểm với đại biểu Thu, đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang), Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện), Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị năm 2018, tỉnh tiếp tục nối lại việc hỗ trợ xi măng cho người dân làm đường. Đại biểu Sẫm đề nghị tỉnh tăng tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu từ đấu giá tiền sử dụng đất để huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. “Nếu chia theo tỷ lệ tỉnh 70%, huyện 30% thì sẽ rất khó khăn cho huyện, xã”, đại biểu Sẫm nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn)
Về đề nghị tỉnh tiếp tục cấp xi măng để làm đường ra đồng, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biếtm, tỉnh hiện còn nợ 265 tỷ đồng theo cơ chế lấy xi măng trả chậm. Dự toán năm 2018, bố trí được 45 tỷ trả nợ để giảm nợ, còn 220 tỷ nợ. Vì điều kiện đó, tỉnh phải sắp xếp trả nợ dần nên khả năng tiếp tục bố trí ngân sách để cấp xi măng là rất khó thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Sang (Thanh Miện) nêu khó khăn của các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay thiếu trụ sở làm việc; kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí từ kinh phí cấp trên chậm, thấp. HTX tháng nào cũng phải trả tiền điện, số tiền lớn nhưng chậm được hỗ trợ gây khó khăn. Đề nghị tỉnh tăng cấp bù thủy lợi phí, cấp kịp thời để tạo thuận lợi cho các HTX dịch vụ nông nghiệp.
NHÓM PV