Sản xuất lúa hàng hóa ở Cẩm Giàng

20/08/2017 07:36

Nhiều năm nay, huyện Cẩm Giàng luôn đi đầu thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho nông dân từ cây lúa.



Cẩm Giàng chú trọng quy vùng sản xuất lúa tập trung


Xác định quy vùng lúa tập trung là cơ sở để phát triển sản xuất hàng hóa nên UBND huyện Cẩm Giàng chú trọng xây dựng các cánh đồng mẫu lớn "một vùng, một giống, một thời gian". Để khuyến khích nông dân gieo cấy theo vùng, mỗi vụ lúa, huyện đều có cơ chế hỗ trợ hợp lý. Vì vậy, Cẩm Giàng luôn dẫn đầu tỉnh về số lượng vùng gieo cấy lúa tập trung.

Vụ xuân năm nay, huyện xây dựng được 106 vùng lúa tập trung có quy mô từ 10 ha/vùng trở lên. Các vùng đều gieo cấy những giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, TBR 225... Trong đó, có 2 vùng quy mô 50 ha/vùng tại xã Tân Trường, Thạch Lỗi. Quy vùng tập trung mang lại nhiều lợi ích như thuận lợi cho việc chăm sóc, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất lúa... vì có thể áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Cẩm Giàng thường xuyên là một trong những địa phương có năng suất lúa cao, đạt khoảng 67 tạ/ha trong vụ xuân và 59 tạ/ha ở vụ mùa.

Bên cạnh việc tập trung quy vùng sản xuất, huyện cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ông Vương Đức Huân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Trường cho biết: 2 năm nay, vùng lúa tập trung của xã đều được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ. Mặc dù công ty chỉ cam kết thu mua 50% sản lượng nhưng đây là tín hiệu khả quan vì nông dân không còn phải lo bán thóc như trước.


Đầu ra được bảo đảm, nông dân Tân Trường rất phấn khởi. Vụ mùa này, xã xây dựng được thêm 1 vùng lúa tập trung cấy giống Bắc thơm số 7. Trước kia, nông dân  bỏ bê việc đồng áng, diện tích đất bỏ hoang nhiều. Nguyên nhân do cấy lúa bấp bênh, lỗ nhiều, lãi ít. Mặt khác, xã có khu công nghiệp, người dân tìm được công việc với thu nhập ổn định hơn. Vài năm trở lại đây, nông nghiệp của xã có phần khởi sắc bởi nông dân đã nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa. Vụ này Tân Trường không còn diện tích bỏ hoang.

Không chỉ thay đổi quy mô sản xuất, Cẩm Giàng còn tích cực tiếp cận các giống lúa mới, chủ động sàng lọc giống để lựa chọn ra giống thích hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của địa phương. Năm nay, huyện gieo cấy thử 2 giống lúa thuần Lam Sơn 8 và Lam Sơn 10 tại xã Cẩm Đoài, tiếp tục khảo nghiệm các giống TL12, Kim cương 111 ở xã Cẩm Hoàng, thị trấn Lai Cách. Cẩm Giàng cũng mở rộng mô hình sản xuất giống đột biến Tám xoan với diện tích 20 ha tại các xã Cẩm Điền và Cẩm Sơn. Việc đổi mới bộ giống giúp sản xuất nông nghiệp của huyện có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, huyện còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như kỹ thuật thâm canh "3 tăng, 3 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo "4 đúng"... Cẩm Giàng đang có kế hoạch xây dựng 1 vùng sản xuất lúa quy mô 50 ha theo công nghệ canh tác cải tiến tiết kiệm nước SIR tại xã Cao An.

Theo ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiều vùng thâm canh lúa trong huyện gặp nhiều khó khăn do nằm xen kẽ với các khu công nghiệp. Mặc dù vậy, với tinh thần khai thác lợi thế, khắc phục khó khăn và đồng hành cùng nông dân, sản xuất lúa hàng hóa đang dần hình thành ở Cẩm Giàng. Gieo cấy theo vùng cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ đang dần được loại bỏ. Nông dân sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn từ cây lúa.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất lúa hàng hóa ở Cẩm Giàng