Quy mô sản xuất gạch ốp lát của tỉnh tăng mạnh dẫn tới cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường này.
Thật, giả lẫn lộn đang gây khó cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá nhân tạo thạch anh thật
Trong khi nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí “dậm chân tại chỗ”, thì sản xuất gạch ốp lát (GOL) Việt Nam đã vươn lên đứng đầu Đông Nam Á và thứ 6 thế giới. Ở Hải Dương, quy mô khu vực sản xuất này cũng tăng mạnh.
Vỡ quy hoạch
Gần đây, tại Hải Dương có không ít dự án sản xuất GOL được đầu tư mới. Đầu năm 2017, tại cụm công nghiệp Phú Thứ (Kinh Môn), nhà máy sản xuất đá thạch anh nhân tạo của Công ty CP Phú Sơn đã chính thức ra mắt sản phẩm. Tổng dự toán đầu tư dự án này khoảng 300 tỷ đồng, sử dụng công nghệ của Italia. Nhà máy này có công suất 400.000m2 sản phẩm/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 60 lao động.
Đầu năm nay, Công ty CP Trúc Thôn (Chí Linh) cũng đã triển khai đầu tư thêm dây chuyền GOL Sao Đỏ thứ 3 để nâng công suất lên gấp đôi hiện nay, đạt 8 triệu m2 sản phẩm/năm.
Dự kiến tháng 6, tại khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh), nhà máy sản xuất GOL cao cấp của Công ty TNHH Nice Ceramic sẽ đi vào hoạt động chính thức. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, công suất thiết kế 30 triệu m2 sản phẩm/ năm.
Cùng với một số doanh nghiệp đã hoạt động cả chục năm nay như Nhà máy Ceramic Hải Dương (TP Hải Dương), Công ty CP Thế Giới tại cụm công nghiệp Tân Dân (Chí Linh), Công ty TNHH Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), Công ty CP Giầy Cẩm Bình (Cẩm Giàng), thì sự ra đời của những dây chuyền mới khiến quy hoạch phát triển sản xuất GOL bị phá vỡ.
Cuối tháng 9.2017, tỉnh đã điều chỉnh lại quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, riêng GOL tăng quy mô lên 49,1 triệu m2/ năm, gấp hơn 2,65 lần trước năm 2014. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tại địa bàn tỉnh Hải Dương chỉ tăng từ 3,7 triệu m2 lên khoảng 4 triệu m2.
Ứng dụng dây chuyền tự động hóa trong sản xuất gạch ốp lát
Tìm cách xuất khẩu
Các Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan… sẽ mở ra một số thị trường mới để xuất khẩu GOL.
Mặc dù vậy, thị trường GOL nội địa đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Ngoài các thương hiệu nội địa lớn như Hoàng Gia, Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn... còn có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Taicera, Bạch Mã, Prime... Các thương hiệu mới, có năng lực sản xuất lớn như Catalan, Toko, Vitto, Tasa… Các sản phẩm GOL giá rẻ từ Trung Quốc dù đã giảm nhưng vẫn có sức cạnh tranh lớn. Ngoài ra còn có GOL nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... với số lượng nhỏ, chủ yếu là các mẫu mã trong nước không có. Hiện tại, GOL nội vẫn chiếm ưu thế nhờ sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến từ châu u, bảo đảm chất lượng sản phẩm; lợi thế về địa lý giúp giảm giá thành và đáp ứng các nhu cầu đơn hàng từ nhỏ tới lớn. Các sản phẩm GOL nhập khẩu hiện vẫn chịu thuế nhập khẩu cao làm giảm tính cạnh tranh với hàng nội.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt hiện đang gặp khó khăn do sự xuất hiện sản phẩm đá nhân tạo thạch anh giả. Sản phẩm thật luôn bảo đảm độ cứng, độ chịu nhiệt cao, dễ lau chùi, uốn cong. Đá nhân tạo thạch anh giả làm từ chất liệu từ nhựa, thủy tinh, bột đá đã qua chế biến nhập khẩu từ Trung Quốc nên có giá rẻ bất ngờ. Ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Phú Sơn cho biết: “Hàng giả là khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi cạnh tranh ở thị trường nội địa”.
Theo ông Trịnh Nam Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát đang rất khốc liệt, nhất là ở phân khúc gạch ceramic. Các doanh nghiệp cần đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ thông minh để phát huy công suất thiết kế, bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường xung quanh, sẵn sàng xuất khẩu đến các thị trường CPTPP, EU…
THÀNH LONG