Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9%; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%; ngành khai khoáng giảm 3,2%.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã phục hồi tích cực hơn quý III/2023.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,5%; sản phẩm thuốc lá tăng 9,1%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%.
Từ chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành sản xuất giảm là phương tiện vận tải khác giảm 7,3%; xe có động cơ giảm 4,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,7%...
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao, gồm: Đắk Lắk tăng 36,9%; Bắc Giang tăng 18,6%; Phú Thọ tăng 16,8%; Nam Định tăng 14,4%; Kiên Giang tăng 14%; Hải Phòng tăng 13,5%; Hà Nam tăng 13,1%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Hòa Bình tăng 0,7%; Quảng Nam giảm 30,4%; Bắc Ninh giảm 13,1%; Vĩnh Long giảm 12,3%; Sóc Trăng giảm 7,6%; Lào Cai giảm 5,1%.
Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2023 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6% và giảm 2,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và giảm 0,9%.
Để thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này cũng sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Về phía các doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; đồng thời, kiến nghị Chính phủ kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Cùng với đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.
Theo báo Tin tức