Dưới bàn tay tài hoa của người lao động, mảnh đất xứ Đông vốn được thiên nhiên ưu đãi đã sản sinh ra nhiều sản vật nức tiếng gần xa.
Những sản vật này sẽ còn tiếp tục được chắp cánh nhờ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Bánh đậu xanh TP Hải Dương
Sau gần 100 năm xuất hiện, đến nay, bánh đậu xanh đã trở thành sản phẩm nổi tiếng của Hải Dương. Vị thơm bùi của đỗ xanh hòa quyện với độ béo ngậy của mỡ lợn kết hợp với độ ngọt vừa phải của đường đã tạo ra đặc sản tuy đơn giản nhưng đầy tinh tế.
Sản phẩm đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á. Sản phẩm bánh đậu xanh không chỉ có chỗ đứng ở trong nước mà đã vươn ra thị trường quốc tế. Từ nền tảng này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh trong tỉnh nói chung và TP Hải Dương nói riêng ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, hiện bánh đậu xanh được biến tấu với nhiều hương vị mới như trà xanh, sầu riêng, hạt sen... Nhiều thương hiệu bánh đậu xanh đã trở nên nổi tiếng như Bảo Hiên, Nguyên Hương, Quê Hương, Gia Bảo, Hòa An...
Năm 2015, bánh đậu xanh được công nhận là nghề truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để sản vật đặc trưng này có cơ hội vươn xa, khẳng định được vị thế trong thị trường quà biếu tặng.
Vải thiều Thanh Hà
Vải thiều Thanh Hà được biết đến là đặc sản với chất lượng nổi trội. Đây là nông sản duy nhất của tỉnh xây dựng được chỉ dẫn địa lý. Gần 200 năm bén rễ đồng đất phù sa Thanh Hà, vải thiều vẫn giữ được hương vị riêng không nơi nào có được.
Nhiều năm liền, vải thiều Thanh Hà vinh dự được chọn vào top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế bầu chọn.
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơ quan chức năng và doanh nghiệp, vải thiều Thanh Hà đã được cấp "giấy thông hành" sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU... Nhờ vậy, giá trị quả vải được nâng cao, người dân ngày càng muốn gắn bó, tâm huyết với cây trồng thế mạnh này của địa phương.
Huyện Thanh Hà hiện có gần 3.000 ha vải thiều được sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó có 400 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Để bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu, huyện đã quy vùng vải tập trung, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Tương lai không xa, vải thiều sẽ là sản phẩm OCOP chủ lực cấp quốc gia của tỉnh cạnh tranh với nông sản của các địa phương khác.
Rươi Tứ Kỳ
Con rươi sinh sôi ở vùng nước lợ, là sản vật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho một số xã của huyện Tứ Kỳ. Huyện hiện có hơn 150 ha đất bãi khai thác rươi, tập trung ở 2 xã An Thanh và Tứ Xuyên. Trước kia, người dân vừa canh tác lúa vừa khai thác rươi nhưng theo phương pháp thiếu bền vững nên sản lượng không cao.
Tại các bãi rươi, nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu bệnh cho lúa nên lượng rươi ít dần theo từng năm. Từ khi áp dụng biện pháp sản xuất lúa hữu cơ, không dùng phân bón và thuốc hóa học, con rươi có điều kiện phát triển, năng suất thu hoạch rươi tăng cao.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại mà người dân đầu tư bài bản cho vùng đất bãi với hệ thống giao thông và hạ tầng khai thác rươi thuận tiện hơn. Từng bờ vùng, bờ thửa được đào đắp, xây dựng bài bản, tạo thuận lợi để rươi sinh sôi, phát triển. Đến nay, rươi Tứ Kỳ đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Đây chính là bệ phóng để sản vật độc đáo này có thể vươn xa hơn nữa.
Nếp cái hoa vàng Kinh Môn
Nếp cái hoa vàng Kinh Môn được đánh giá là nông sản có đầy đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý - mức bảo hộ trí tuệ cao nhất dành cho các sản phẩm đặc thù.
Sản phẩm này là sự kết tinh hài hòa giữa đồng đất phù sa được bồi đắp bởi 4 con sông Đá Vách, Kinh Thầy, Kinh Môn, Hàn Mấu với núi đồi trù phú nơi đây. Trước kia, vì là giống lúa truyền thống, người dân canh tác theo kinh nghiệm, thói quen nên chất lượng sản phẩm nhiều lúc không bảo đảm.
Từ năm 2006, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND thị xã Kinh Môn phục tráng giống lúa này và khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo cấy. Năm2010, nếp cái hoa vàng Kinh Môn được xây dựng nhãn hiệu tập thể nên ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Thị xã Kinh Môn hiện có khoảng 600 ha nếp cái hoa vàng, tập trung tại các xã, phường An Phụ, Duy Tân, Long Xuyên... Khác với các giống lúa nếp khác, hạt gạo nếp cái ở đây mẩy, tròn đều, có mùi thơm đặc trưng, khi nấu có vị đậm đà, mềm dẻo.
Cà rốt Cẩm Giàng
Dải đất bãi màu mỡ ven sông Thái Bình chính là điều kiện lý tưởng để cây cà rốt trở thành nông sản chủ lực của huyện Cẩm Giàng. Những năm 80 của thế kỷ trước mới chỉ có lác đác vài hộ trồng thì đến nay, loại cây này đã phủ xanh toàn bộ diện tích đất bãi của huyện.
Được thiên nhiên ưu đãi nên cây cà rốt ở đây phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh và có nhiều khác biệt với những khu vực khác. Thương lái chuộng cà rốt Cẩm Giàng vì kích thước củ đồng đều, vỏ sáng, có vị ngọt mát, ít ngái.
Huyện Cẩm Giàng hiện có 600 ha cà rốt, tập trung ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn với sản lượng 25.000 tấn/năm. Có những năm, nông dân thu lãi gần 10 triệu đồng/sào cà rốt, cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Cà rốt Cẩm Giàng đã được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... và bước đầu tiếp cận thị trường Mỹ, EU.
Bánh gai Ninh Giang
Gắn với địa danh Ninh Giang từ thế kỷ XIII nhưng đến nay sự mộc mạc, tinh khiết của bánh gai vẫn chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.
Dù nguyên liệu làm bánh rất đỗi gần gũi, thân quen với những nông sản thuần túy như lá gai, gạo nếp, đỗ xanh... song quy tắc nghiêm ngặt trong quy trình làm bánh cùng với những bí quyết riêng của từng hộ đã tạo nên loại bánh đặc sản không phải nơi nào cũng có được.
Theo thời gian, công thức làm bánh được cải tiến để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Cùng với bánh đậu xanh, bánh gai là một trong những món quà biếu dân dã, mang đậm hương vị quê hương.
Từ những thế mạnh của loại bánh này, huyện Ninh Giang đang triển khai nhiều giải pháp để bánh gai có thể phát huy lợi thế, trở thành sản vật có giá trị của tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Hiện bánh gai đã được huyện lựa chọn tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đây là tin vui cho hàng chục cơ sở sản xuất bánh gai ở thị trấn Ninh Giang khi sản vật truyền thống, tồn tại lâu đời được nâng tầm thương hiệu.
Bánh đa Hội Yên
Bánh đa Hội Yên là sản phẩm làng nghề đặc trưng của huyện Thanh Miện. Những sợi bánh đa thơm mùi thóc mới chính là thành quả lao động của nông dân nơi đây. Nghề làm bánh đa đã tồn tại ở thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam từ thế kỷ XIII, đến nay vẫn được người dân gìn giữ và phát huy.
Nhờ bí quyết ủ bột, trộn bột theo tỷ lệ hợp lý mà bánh đa Hội Yên "hữu xạ tự nhiên hương", gây dựng được thương hiệu lâu đời. Bánh đa Hội Yên là một trong số ít sản phẩm được tỉnh dự kiến tiêu chuẩn hóa trong thời gian tới.
Hiện còn hơn 100 hộ dân ở Hội Yên theo nghề. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bên cạnh bánh đa truyền thống, người dân còn nghiên cứu làm ra các loại bánh đa mang hương vị mới như rong biển, chùm ngây... Họ đầu tư các loại máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng với kỳ vọng sản phẩm này có thể vươn xa và mang lại giá trị cao.
Hành Nam Sách
Gần 40 năm kể từ khi bén rễ đồng đất Nam Sách nhưng cây hành chưa khi nào bị soán ngôi, vẫn khẳng định là nông sản chủ lực khó có thể thay thế của huyện. Không giống các địa phương khác, nông dân Nam Sách thường trồng hành sớm để thu hoạch hành non, phục vụ cho chế biến. Lá, củ hành sấy khô không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có thị trường xuất khẩu rộng rãi. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế của cây hành luôn ở mức cao, người dân thu lãi từ 120-150 triệu đồng/ha.
Mỗi năm, huyện Nam Sách duy trì gieo trồng khoảng 1.700 ha hành, tập trung ở các xã Nam Trung, An Lâm, An Bình... Để phát huy giá trị cây hành, huyện quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ kỹ thuật. Huyện đang triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể "Hành Nam Sách" nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của cây hành. Từ nền tảng này, hành Nam Sách sẽ có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ nông sản của khu vực và trong cả nước.
DŨNG CƯỜNG