Ở một số nơi đã đầu tư sân vận động nhưng lại bỏ hoang rất lãng phí. Trong khi đó người dân không có chỗ chơi thể thao...
Sân thể thao dùng chung của thôn 5 và thôn Đìa, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng)
được người dân dùng để trồng rau muống
Trong khi nhiều xã, thôn gặp khó khăn để tìm quỹ đất xây dựng sân vận động (SVĐ), sân thể thao để phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi của nhân dân thì nhiều nơi đã có sân nhưng không khai thác sử dụng được, gây lãng phí lớn.
Sân bỏ hoangKhi đến sân thể thao dùng chung của thôn 5 và thôn Đìa, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), chúng tôi không nghĩ đây là nơi dành cho người dân tập luyện thể dục, thể thao (TDTT). Cỏ dại mọc kín sân, cao hàng chục cm. Một đám sân bên cạnh đường được người dân sống gần đó tận dụng làm nơi trồng rau muống... Sân thể thao này được xây dựng năm 2001 trên nền sân kho cũ, rộng 1.300 m2. Hiện nay, sân thấp hơn mặt đường khoảng 50 cm, hệ thống rãnh thoát nước hầu như bị lấp kín, vào mùa mưa, sân bị ngập úng không thể hoạt động. Do không có kinh phí, thôn không thể thường xuyên cắt cỏ nên để cỏ dại mọc um tùm như bãi đất hoang. Có sân nhưng đội bóng của thôn 5 phải lên thuê SVĐ của huyện để chơi.
SVĐ xã Cộng Lạc (Từ Kỳ) có diện tích hơn 10 nghìn m2, nằm ở ngay trung tâm xã, cạnh đường 391. Những năm trước, sân là điểm tập luyện thể thao sôi động của đông đảo người dân trong và ngoài xã. Bây giờ ở đây cỏ dại mọc cao, phủ kín gần hết mặt sân và có những vết bánh xe ô-tô tạo thành rãnh vòng quanh. Anh Bùi Đình Luật, người dân sống gần SVĐ cho biết: "Những vết xe ô-tô xuất hiện trên sân là do nhiều tháng nay người dân đến tập lái. Khoảng 2 năm nay, sân hầu như bỏ hoang không được tu sửa, chăm sóc. Thỉnh thoảng vào buổi chiều mới có một nhóm thanh niên, thiếu niên đến đá bóng ở một góc nhỏ của sân". Được biết, xã Cộng Lạc có phong trào TDTT phát triển khá mạnh, nhất là môn bóng chuyền, bóng đá mi - ni, nhưng do SVĐ chất lượng kém nên người dân đến tập ở sân nhà văn hóa, trường học hoặc các khu đất trống. Sáng, chiều, người dân muốn đi bộ nhưng mặt sân lồi lõm, cỏ mọc um tùm nên không thể đi được. Do phải đi bộ trên đường 391 nên đã có người bị tai nạn.
Do sẽ quy hoạch SVĐ ra chỗ mới, nên 2 năm nay, SVĐ của xã Nam Trung (Nam Sách) cũng bị bỏ hoang. Theo quy hoạch của xã, SVĐ sẽ được dùng để xây dựng khu dân cư. Hằng ngày, sân trở thành chỗ chăn thả trâu, bò khiến cho mặt sân bị xuống cấp, mất vệ sinh. Bên cạnh đó, sân gần đường giao thông nhưng không có tường bao, việc tập luyện, vui chơi rất nguy hiểm nên người dân tìm những chỗ đất trống trong các thôn để hoạt động.
Thiếu kinh phíTrên địa bàn tỉnh hiện có 93 trong tổng số 265 xã, phường, thị trấn có SVĐ; 962 trong tổng số 1.431 thôn, khu dân cư có sân thể thao, sân chơi. Hầu hết các sân được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, diện tích nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện nghèo nàn... không bảo đảm hoạt động dẫn đến bị bỏ hoang, rất lãng phí. Điều này do nhiều địa phương thanh niên đi làm ăn xa dẫn đến phong trào tập luyện TDTT, nhất là những môn chơi tập thể ít người tham gia. Người dân có xu hướng tìm đến những sân nhỏ, chất lượng tốt của các trường học, khu đất trống trong thôn, xóm. Các SĐV, sân thể thao này không khai thác, sử dụng được còn do các địa phương hạn hẹp kinh phí, không thể nâng cấp, tu sửa thường xuyên. Ông Vũ Hữu Kiên, Bí thư Chi bộ thôn 5, thị trấn Lai Cách cho biết: "Thôn cần khoảng 200 triệu đồng để tôn sân lên cao, xây tường bao, sửa chữa hệ thống thoát nước nhưng số tiền trên quá lớn. Trước mắt, thôn 5 và thôn Đìa chuẩn bị huy động mỗi hộ đóng 15 nghìn đồng để tu sửa sân. Tuy nhiên, mức đóng góp này chỉ đủ để cắt cỏ, san lấp những chỗ lồi lõm, khơi thông rãnh thoát nước".
Một nguyên nhân nữa còn do nhiều địa phương vẫn trông chờ, ỷ lại nguồn hỗ trợ của cấp trên mà ít huy động xã hội hóa để tạo nguồn kinh phí tu sửa, nâng cấp sân. Không bố trí người trông nom, quản lý, điều hành sân nên người dân hoạt động tự phát, có nhu cầu thì đến không thì thôi, dẫn đến thiếu tính ổn định. Theo anh Bùi Đình Luật ở xã Cộng Lạc, nếu địa phương cải tạo lại sân bố trí người quản lý hoặc cho đấu thầu thì chắc chắn sân hoạt động sẽ sôi nổi, hiệu quả hơn rất nhiều.
Để các SVĐ, sân thể thao được khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng, các ngành, các cấp và người dân cần quan tâm tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp sân, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu tập luyện.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án "Xây dựng, cải tạo, nâng cấp sân thể thao các thôn, khu dân cư địa bàn nông thôn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2013 - 2020" với tổng kinh phí 80,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2013 - 2015, phê duyệt quy hoạch 100% số sân thể thao của các thôn, khu dân cư; đầu tư sửa chữa, nâng cấp 82 sân thể thao cấp thôn của 58 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1. Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư sửa chữa, nâng cấp 720 sân thể thao cấp thôn còn lại. Dự kiến, mỗi sân sẽ được đầu tư 100 triệu đồng.
|
|
DANH TRUNG