Sẵn sàng cho "sân chơi" lớn

15/04/2019 17:57

Để sản xuất công nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, Hải Dương đã sớm xác định được 9 ngành công nghiệp chủ đạo.

Nhóm ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim là một trong 9 ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh

Các ngành này sẽ được tỉnh quan tâm đầu tư để tăng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng tham gia vào "sân chơi" toàn cầu. 

Xác định chọn lọc

Sau gần 10 năm chọn Hải Dương để đầu tư, Công ty TNHH Kefico Việt Nam ở khu công nghiệp (KCN) Đại An (TP Hải Dương) tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng thứ hai tại KCN Đại An mở rộng với tổng vốn hơn 120 triệu USD. Ông Kim Sungsoo, Tổng Giám đốc công ty khẳng định doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư tại Hải Dương vì sản xuất linh kiện điện, điện tử đã được tỉnh xác định là một trong những ngành công nghiệp chủ lực nên chắc chắn sẽ được quan tâm phát triển.

Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh quyết định thông qua vào cuối năm 2018 xác định rõ sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương, công nghiệp chủ đạo của Hải Dương là những ngành có công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, phát huy được lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản cũng sẽ là một ngành công nghiệp có nhiều lợi thế của Hải Dương. Những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú với các giống chất lượng cao như vải thiều, ổi, cà rốt, hành tỏi, gạo nếp… tạo điều kiện cho Hải Dương có thể đưa công nghiệp chế biến trở thành ngành công nghiệp chủ đạo. Ngành công nghiệp này không chỉ cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh khác mà còn có thể vươn tầm thế giới. Ông Hải lấy ví dụ: "Công ty CP Nông sản Hưng Việt ở Gia Lộc ngoài cung cấp hàng chục tấn sản phẩm cho bếp ăn của các khu công nghiệp, còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản. Doanh nghiệp cũng đang có ý tưởng xây dựng hệ thống kho lạnh quy mô lớn để có thể đưa sản phẩm đi khắp năm châu”.

Theo đánh giá của Sở Công thương, 9 ngành công nghiệp chủ đạo đều đã được tỉnh lựa chọn dựa trên những phân tích, đánh giá về tốc độ phát triển trong gần 10 năm trở lại đây, xu hướng phát triển công nghiệp toàn cầu và lợi thế trong phát triển so với các ngành khác.

Thu hút đầu tư đúng hướng

Xác định được các ngành công nghiệp chủ đạo có vai trò rất quan trọng đối với ngành công nghiệp nói chung của tỉnh nên tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư đúng hướng. Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng khá, tập trung chủ yếu vào các dự án phù hợp các ngành công nghiệp chủ đạo như công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp điện, điện tử. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến hơn 80% số dự án trong 3 tháng đầu năm. 27 dự án đầu tư trong nước từ đầu năm đến nay cũng tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh. Hiện nay, việc thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh không còn ồ ạt như những năm trước mà trên cơ sở đã có chọn lọc các dự án phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong tương lai và căn cứ vào nhóm ngành công nghiệp chủ đạo mà tỉnh đã lựa chọn. Những đổi mới trong thu hút đầu tư không chỉ giúp tỉnh phát triển công nghiệp đúng hướng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp so với tỉnh khác.

Đại diện Công ty CP An Cường ở KCN kỹ thuật cao An Phát (TP Hải Dương) khẳng định tỉnh quan tâm tới các ngành công nghiệp chủ đạo sẽ góp phần đưa kinh tế phát triển nhanh, mạnh hơn, đồng thời phát huy được tiềm năng, nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Để các sản phẩm chủ đạo của tỉnh có sức mạnh và lợi thế riêng, tỉnh cần có chương trình phát triển sản phẩm chủ đạo theo chiều sâu, chất lượng để có thể mở rộng thị trường.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để các ngành công nghiệp chủ đạo được chú trọng, các sở, ngành cần quan tâm hơn tới xúc tiến thương mại, giới thiệu, kết nối quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực. Công bố các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ đạo để các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần có những cam kết về sự đồng hành, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, đầu tư. Đó sẽ là những đòn bẩy cần thiết giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, tích cực xây dựng sản phẩm công nghiệp chủ đạo của Hải Dương.

HẢI MINH

Hải Dương định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp theo 9 nhóm ngành chủ đạo gồm: công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp điện - điện tử; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hóa chất; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may - da giày; công nghiệp chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước; công nghiệp xử lý rác thải, chất thải. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15%/năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho "sân chơi" lớn