Ngày 26.5, tại quảng trường Thanh Bình (Thanh Hà) sẽ diễn ra Ngày hội vải thiều. Năm nay quy mô ngày hội nhỏ hơn nhưng có nhiều nét mới, khắc phục được hạn chế của năm ngoái.
Ngày hội là dịp để nông dân có thể chủ động kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp
Ngày 26.5, tại quảng trường Thanh Bình (Thanh Hà) sẽ diễn ra Ngày hội vải thiều Thanh Hà. Đến thời điểm này, huyện Thanh Hà đã hoàn tất các khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, hàng hóa nông sản để trưng bày tại ngày hội.
Chuẩn bị chu đáo
Sau khi được UBND tỉnh giao chủ trì tổ chức Ngày hội vải thiều năm 2019, huyện Thanh Hà đã khẩn trương họp, thống nhất kế hoạch, thành lập Ban tổ chức ngày hội, giao việc cụ thể cho từng phòng chuyên môn. Chỉ gần 2 tuần sau khi chỉ đạo, các công việc chuẩn bị phục vụ cho lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo.
Năm nay, huyện Thanh Hà đầu tư hơn 1 tỷ đồng để tổ chức ngày hội. Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện đã in 1.000 tờ rơi quảng bá về sản phẩm vải thiều Thanh Hà để phát cho du khách, đại biểu trong ngày hội; 1.000 tem treo để đính kèm vào sản phẩm vải trong ngày hội; 500 thư mời gửi đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phòng Văn hóa - Thông tin đã in xong 60 phướn dọc tuyên truyền về ngày hội để treo trên các tuyến đường tỉnh, huyện; làm lại biển quảng cáo vải thiều Thanh Hà tại các điểm cầu Phú Lương, Lai Vu, Nhà máy nước Thanh Hải (xã Thanh Hải), cổng Công ty TNHH Vietory (xã Thanh Xá). Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã chuẩn bị xong 350 cờ hồng kỳ để cắm trên đường 390 đoạn từ xã Tân An đến xã Thanh Xá; treo 75panô tuyên truyền về ngày hội.
Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, các xã, thị trấn đã lựa chọn sản phẩm để trưng bày trong các gian hàng tại ngày hội. Chủ tịch UBND xã Thanh Cường Đặng Văn Lan cho biết xã sẽ chọn vải và chuối để tham gia trưng bày đợt này. Vải sẽ là sản phẩm chủ lực để trưng bày tại ngày hội, còn lại là các nông sản khác như ổi, chuối, quất, sắn dây, rau, mật ong... Tại gian hàng của các địa phương, cơ quan chuyên môn sẽ cấp tờ rơi, tem treo và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng chí Nguyễn Hải Đông, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, Phó Trưởng Ban tổ chức ngày hội cho biết: “Sẽ có khoảng 30 gian hàng của các địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia trưng bày sản phẩm tại ngày hội. Đến thời điểm này, các bước chuẩn bị đã hoàn thành theo đúng kế hoạch”.
Đơn vị sự kiện đang lắp đặt các gian hàng tại quảng trường Thanh Bình phục vụ trưng bày sản phẩm vải Thanh Hà trong ngày hội
Đi vào chiều sâu
Nét mới trong ngày hội vải thiều năm nay là tại quảng trường Thanh Bình, huyện đã bố trí một khu vực biểu diễn múa rối nước. Ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng Phường rối nước Thanh Hải cho biết phường đã lựa chọn những tiết mục chất lượng liên quan đến vải thiều cũng như ca ngợi nét đẹp của con người, quê hương để biểu diễn trong ngày hội lớn của huyện.
Nếu như năm trước Lễ hội vải thiều Thanh Hà- Hải Dương được tổ chức với quy mô cấp tỉnh thì Ngày hội vải thiều năm 2019 được tổ chức quy mô cấp huyện. Năm ngoái lần đầu tiên tổ chức lễ hội nên sự phối hợp giữa các ngành còn nhiều lúng túng, nhiều hoạt động chưa xứng tầm lễ hội cấp tỉnh. Rút kinh nghiệm nên năm nay huyện tổ chức các hoạt động nhỏ nhưng gắn liền với đặc trưng địa phương, phù hợp với khuôn khổ ngày hội. Năm nay sẽ không có tình trạng du khách ồ ạt xuống hái vải, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây như năm ngoái. Huyện đã khoanh vùng một vườn vải ở xã Thanh Bính và bố trí cán bộ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của du khách khi tham quan các vườn vải. Khó khăn lớn nhất của ngày hội năm nay là sản lượng vải sớm và vải thiều muộn thấp nên đã hạn chế một số tour trải nghiệm đến khu sinh thái miệt vườn, sông Hương. Thời điểm diễn ra ngày hội không vào mùa thu hoạch vải thiều muộn mà chỉ trưng bày vải sớm nên khách tham quan không có cơ hội thưởng thức vải thiều. Vì vậy huyện sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá chất lượng sản phẩm vải sớm, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn gắn với tâm linh tại địa phương. Các tour tham quan sẽ được hướng dẫn xuống các điểm vườn vải sớm ở khu Hà Đông theo nhu cầu của du khách.
Năm nay, nông sản trưng bày tại các gian hàng là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, không như năm trước có sản phẩm của nhiều huyện khác tham gia. Do đó, nông dân, doanh nghiệp trong huyện có cơ hội để quảng bá sâu hơn, tập trung hơn về sản phẩm của mình làm ra đến người tiêu dùng, khách tham quan. Gia đình chị Nông Thị Tú ở thôn Vĩnh Xá, xã Thanh Cường năm nay có khoảng 8 sào vải sớm ước thu hơn 4 tấn quả. Chị đã dành những cây có quả to, mẫu mã đẹp để chuẩn bị hàng trưng bày trong ngày hội. Chị Tú cho biết: “Năm ngoái do đông khách nên việc giới thiệu, quảng bá cũng hạn chế hơn. Tôi hy vọng năm nay sẽ có nhiều thời gian để giới thiệu đến du khách về sản phẩm vải sớm. Đây là sản phẩm đặc trưng của huyện Thanh Hà cũng như khu Hà Đông”. Bên cạnh đó, những người nông dân trực tiếp bán hàng còn có cơ hội học hỏi thêm nhiều kỹ năng chào hàng chuyên nghiệp và chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng chí Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019 cho biết: “Mặc dù quy mô tổ chức nhỏ hơn năm ngoái nhưng mục tiêu và ý nghĩa ngày hội vẫn không thay đổi. Ngày hội nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều và hàng nông sản đến du khách, qua đó tạo điều kiện, cơ hội kết nối giao thương thuận lợi cho năm nay và những năm tiếp theo. Đây cũng là dịp để người dân Thanh Hà thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của mình”.
MINH NGUYỆT