Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống

09/07/2014 07:37

Sáng 9-7, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau tại buổi thảo luận tại tổ chiều 8-7.








Đại biểu Trần Hưng Thịnh


Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hưng Thịnh (Chí Linh) cho biết người dân rất bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. "Chúng ta không thể để Trung Quốc bẻ cong chân lý, lấy thịt đè người, đổi trắng thay đen. Chúng ta phải bình tĩnh, khôn khéo, không manh động nhưng cũng không chủ quan. Chúng ta phải tập trung tiềm lực để đấu tranh bằng pháp lý nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống có thể xảy ra như ông cha chúng ta đã làm", đại biểu Thịnh nói.

Về chủ trương chuyển đổi đất lúa, đại biểu Thịnh cho rằng, chủ trương chuyển đổi đất lúa phải cân nhắc kỹ bởi hiện còn nhiều dự án đã được phê duyệt đầu tư, giao đất nhưng doanh nghiệp bỏ cỏ, không xây dựng nhà xưởng để hoạt động. "Không thể cắt đất lúa cho dự án khi còn nhiều nhiều nơi giao đất cho doanh nghiệp nhưng bỏ hoang. Cần thu hồi đất của những doanh nghiệp này đến khi nào hết mới tính đến đất lúa", đại biểu Thinh đề xuất.

Báo cáo 6 tháng đầu năm chưa phản ánh thực chất kinh tế của tỉnh

Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng là do chuyển 487,5 tỷ từ quý IV của năm 2013 sang. Nếu loại bỏ yếu tố này thì thu ngân sách chỉ dạt 50,14% kế hoạch. Các giá trị tăng thêm tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp FDI, trong khi đó doanh nghiệp này rất ít vay vốn ngân hàng nên tín dụng không tăng. Trong khi đó, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt, đủ điều kiện vay vốn thì lại không vay vì tiêu thụ sản phẩm gặp khó, hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng quản trị kém, năng lực yếu lại không đủ điều kiện vay. Tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng chậm được thể hiện ở việc cho vay 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1% (năm 2013 là 11%) trong khi đó người dân lại gửi tiền vào ngân hàng lớn ở mức 20% (năm 2013 từ 3-4%). Điều đó cho thấy người dân không mặn mà đầu tư sản xuất kinh doanh do làm ăn thua lỗ.



Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương

Còn nguyên nhân khiến nợ xấu tăng là do tác động của khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các loại doanh nghiệp này có trình độ quản trị, điều hành kém, tài chính nhỏ do đó khó tiếp cận vốn. Ngân hàng đã cơ cấu lại nợ nhưng doanh nghiệp vẫn không phục hồi được do đó để tránh rủi ro cho ngân hàng, doanh nghiệp và toàn xã hội nên ngân hàng không cho vay.

Giải pháp khơi thông dòng vốn là các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung tháo gỡ "nút thắt" về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kích cầu tiêu dùng nông thôn... Ngân hàng nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa vốn vào đúng nơi, đúng chỗ để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.



Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp Minh Anh


Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp Minh Anh cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, làm ăn tốt rất ít tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Họ huy động vốn thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp, thu hút vốn từ các cổ đông để tăng vốn lưu động, không muốn phụ thuộc vào ngân hàng. Còn những doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, trình độ quản trị kém, làm ăn không hiệu quả thì không thể tiếp cận được vốn ngân hàng vì các tổ chức tín dụng phải tính đến phương án bảo toàn vốn vay.

Bà Hà cũng cho rằng, vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo thống kê, lượng khách quốc tế là người Trung Quốc đến Hải Dương chiếm 25%. Từ đầu tháng 5 đến nay, các tua du lịch từ Trung Quốc đến Hải Dương đều bị hủy. Việc này không những ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty lữ hành mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh, các làng nghề.

Bà Hà đề nghị trong lúc khó khăn hiện nay, tỉnh cần hỗ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch liên kết vùng phát triển du lịch nội địa. "Hải Dương có hàng trăm di tích lịch sử, làng nghề... đó là tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác triệt để", bà Hà nói.

Thu ngân sách 6 tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, các khoản thu hiện nay chưa thật sự ổn định, tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp FDI (chiếm tới 40%), doanh nghiệp Nhà nước Trung ương (23%). Trong số 13 khoản thu, có 8 khoản thu đạt trên 50%, 5 khoản thu còn lại dưới 50%. Trong đó, thu tiền sử dụng đất thấp do thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án bất động sản lớn như Soi Nam, khu đô thị phía Nam TP Hải Dương không bán được. Riêng tiền sử dụng đất dự báo sẽ hụt thu khoảng 150 tỷ đồng.



Bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh


Về hoạt động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, bà Mai cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn hơn 4.000 doanh nghiệp kê khai thuế thường xuyên. Trong số đó có 20% số doanh nghiệp có phát sinh thuế phải nộp, gần 20% không phát sinh thuế, còn lại phát sinh thuế âm.

Bà Mai cho biết, 6 tháng cuối năm dự báo thu ngân sách gặp khó khăn do các doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách bị ảnh hưởng. Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại 6 tháng đầu năm nộp 300 tỷ nhưng chủ yếu do chênh lệch tỷ giá đồng yên. Tuy nhiên, hiện tỷ giá đồng yên lên cao nên doanh nghiệp này đang làm ăn thua lỗ. Doanh nghiệp FDI cơ bản ổn định, doanh nghiệp ngoài quốc doanh dự báo tiếp tục gặp khó khăn. Do đó, khả năng ngân sách cả năm chỉ đạt dự toán Trung ương giao, không đạt dự toán HĐND tỉnh giao tăng thu 5%.

Về giải pháp tăng thu, bà Mai cho biết, đối với các dự án bất động sản, tỉnh cần phải có chủ trương cho phân đoạn đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng. Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế tỉnh cần tăng cường rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước.

Về việc nhiều doanh nghiệp FDI kê khai báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, bà Mai cho biết đây là công việc hết sức khó khăn, nan giải. Cục thuế tỉnh đang phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra 2 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả sẽ có trong thời gian tới.

Đã công bằng trong chuyển bổ sung viên chức giáo viên mầm non ?

Đánh giá về việc tỉnh giao cho các địa phương được chủ động nguồn vốn hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Bình (Thanh Hà) cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, không còn bị áp đặt như trước nữa. "Trước kia, nguồn vốn dành cho nông nghiệp phải bắt đưa vào cây lúa, cây vụ đông cho nên hiệu quả thấp. Từ năm 2014, tỉnh giao cho huyện 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Số tiền này, huyện đã đầu tư phân bón, xây dựng mô hình sản xuất VIETGAP cho cây vải, cây ổi và hiệu quả mang lại tích cực. Sản lượng vải thiều của Thanh Hà đạt gần 27 nghìn tấn, giá ổn định từ 8-12 nghìn đồng/kg. Vải sớm đạt 10 tấn, giá dao động khoảng 30 nghìn đồng/kg.



Đại biểu Lê Thanh Bình (Thanh Hà)


Ngoài ra, năm nay, tỉnh cũng đã quan tâm trong công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tại hội nghị xúc tiến thương mại vải, ổi, na vừa qua, ông Phó Ban cửa khẩu Lào Cai cho rằng, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông sản của Hải Dương còn hạn chế. "Nếu tôi không tiện về Bắc Giang dự hội nghị mà chỉ có Hải Dương mời thì tôi cũng không về. Tôi chỉ biết đến vải thiều Bắc Giang còn không biết Hải Dương có vải thiều đặc sản Thanh Hà. Hôm nay tôi mới biết Hải Dương có vùng vải đặc sản Thanh Hà", ông Bình nói lại ý kiến của Phó Ban cử khẩu Lào Cai.

Về bổ sung 216 giáo viên cho hệ thống trường mầm non, đại biểu Bình cho rằng, cuối năm 2013, khi chuyển các trường mầm non sang công lập, chúng ta đã chuyển được 80% số giáo viên mầm non từ hợp đồng sang viên chức. Tuy nhiên, tại trong đợt chuyển bổ sung lần này, có những địa phương như Chí Linh lại được phân bổ 91 người, con số này có thể tăng đến 20%. Như vậy, Chí Linh có thể có gần 100% số giáo viên mầm non hợp đồng được chuyển sang viên chức. Trong khi đó, có huyện chỉ được bổ sung rất thấp (8 người) như Thanh Hà thì tỷ lệ giáo viên mầm non được chuyển sang viên chức chỉ đạt hơn 81%. "Rõ ràng có sự không công bằng ở đây?", đại biểu Bình nói.

Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Bình cho rằng, tiêu chuẩn xét tuyển đối với người có trình độ trung cấp 42 tháng còn người có trình độ đại học, cao đẳng là 48 tháng là bất cập. Những giáo viên trình độ đại học, cao đẳng đang chịu thiệt mặc dù họ có trình độ cao, học tốn kém hơn nhưng lại đang bị thiệt. Nếu đến thời điểm 31-12-2014, những giáo viên trình độ đại học, cao đẳng mà có thời gian công tác hơn 42 tháng nhưng chưa đạt 48 tháng thì họ không được xét. "Chúng ta cần rà soát lại, nếu cơ chế thế này thì không ai dại gì cho con học đại học, cao đẳng làm gì. Chỉ cho học trung cấp vừa đỡ tốn kém lại có việc làm ngay", đại biểu Bình nói.

Đại biểu Phan Ngọc Núi (Kim Thành) cũng đề nghị phải làm rõ việc này để tạo ra sự công bằng cho các địa phương.

Sớm có kế hoạch phân bổ ngân sách cho 18 xã xây dựng NTM giai đoạn 1

Đại biểu Phan Ngọc Núi (Kim Thành) cho rằng tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến gói tài chính hỗ trợ cho 18 xã xây dựng nông thôn mới về đích trong giai đoạn 2014-2015. Theo đại biểu Núi, tỉnh cần có kế hoạch phân bổ ngân sách sớm để các xã nhìn vào đó có động lực thực hiện. Đến khi mọi thủ tục giải ngân vốn xong cũng là lúc các xã có tiền để làm, có như thế mới nhanh được. "Bây giờ mới có chủ trương trên giấy, mỗi xã chưa biết được bao nhiêu tiền và khi nào sẽ được nhận. Nếu chờ đến khi hoàn tất thủ tục giải ngân thì các xã sẽ không kịp thực hiện theo kế hoạch", đại biểu Núi đề xuất.



Đại biểu Phan Ngọc Núi (Kim Thành)

Đại biểu Núi cho biết, việc dồn điền đổi thửa cũng gặp rất nhiều khó khăn do trình độ của cán bộ xã, thôn hạn chế. Công tác tuyên truyền để người dân thay đổi tư tưởng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn còn chậm. Đề nghị tỉnh cấp tiền cho các địa phương để họ làm quy hoạch. Khi đó, người dân nhìn thấy lợi ích sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền. "Nếu chúng ta cứ vận động suông, nói chung chung thì khó thuyết phục dân thực hiện dồn điền đổi thửa", ông Núi nói.

Đại biểu Núi cũng cho rằng, tỉnh cần kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án chậm triển khai. "Chúng ta cứ nói thu hút đầu tư nhưng các vị trí đất đẹp đều đã có chủ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%, số còn lại không hoạt động. Trong khi đó, có doanh nghiệp mới muốn vào đầu tư thì không có đất. Tỉnh có biện pháp quyết liệt thu hồi đất những dự án chậm triển khai để giao cho những doanh nghiệp mới", đại biểu Núi đề nghị.

Vấn đề đời sống công nhân lao động, đại biểu Núi cho rằng các cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm. Hầu hết doanh nghiệp đều có tổ chức công đoàn nhưng chỉ khi nào công nhân đình công thì lực lượng công đoàn mới can thiệp. Việc làm của họ chỉ mới dừng lại ở mức động viên, còn các chế độ theo luật thì ngoài khả năng. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh phải có chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Ngọc Núi cũng đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ chỉ đạo hoàn tất cơ sở hạ tầng để đưa Bệnh viện Đa khoa Kim Thành mới vào hoạt động để phục vụ người dân. Ngoài ra, đất của bệnh viện cũ sẽ được giải phóng để làm đường tránh thị trấn Phú Thái.

Cần có chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn



Bà Lương Thu Hương, Giám đốc Công ty Đức Trường

Bà Lương Thu Hương, Giám đốc Công ty Đức Trường cho rằng, hiện nay đời sống của nhân dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn từ vật chất đến tinh thần. Do đó tỉnh cần quan tâm đổi mới hoạt động đầu tư ở lĩnh vực nông thôn. Có hệ thống cung ứng hàng hóa đến tay nông thôn, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nghiên cứu đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào nông thôn. Phát huy thế mạnh các sản phẩm truyền thống như nếp cái hoa vàng Kinh Môn, vải thiều Thanh Hà, rượu Phú Lộc, bánh đậu xanh bằng cách tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm để đẩy giá trị lên cao. Xây dựng những mô hình sản xuất quy mô lớn như nông trang, nông trại mà ở đó người dân là cổ đông lớn, là công nhân nông nghiệp, có mọi chế độ, quyền lợi như công nhân công nghiệp hiện nay. Nông dân có thể góp vốn hoặc cho thuê đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để sản phẩn của Việt Nam phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Bối cảnh hiện này là cơ hội "vàng" cho hàng Việt Nam đến với tay người Việt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hàng hóa của Việt Nam phải đạt được những tiêu chí về giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm.



Đại biểu Lê Văn Ngấn (Cẩm Giàng)

Đại biểu Lê Văn Ngấn (Cẩm Giàng) cho rằng kế hoạch trong tháng 7 này tiến hành dồn điền, đổi thửa là không phù hợp, bởi đang là thời vụ gieo cấy của nông dân. Đại biểu đề nghị chuyển sang tháng 9 hoặc tháng 10, khi đó thu hoạch xong sẽ dễ làm hơn. Người dân cơ bản đồng tình về chủ trương dồn điền đổi thửa để đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngấn, vấn đề đặt ra trong công tác dồn điền đổi thửa hiện nay là đánh giá chất lượng các thửa ruộng sau khi thực hiện. "Nhiều thửa ruộng, người dân vừa bỏ tiền ra đầu tư cải tạo nên họ không muốn bỏ ra để làm lại. Họ lo lắng khi thực hiện dồn điền đổi thửa xong sẽ không có được mảnh ruộng đó nữa", đại biểu Ngấn nói.

Đại biểu Lê Văn Ngấn cũng cho biết cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và địa phương. "Xã chúng tôi có kế hoạch xây dựng hệ thống rãnh thoát nước nhưng dự án trình lên tỉnh từ tháng 6-2013 đến nay vẫn chưa xong, chưa có tiền để làm", đại biểu Ngấn cho biết.

Nhiều vấn đề nóng được giải đáp



Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ


Ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ đã tập trung làm rõ 3 vấn đề nóng mà đại biểu thảo luận tại hội trường.

Về ý kiến cho rằng không công bằng trong việc tuyển đặc cách viên chức cho 216 giáo viên mầm non, ông Tỏ cho biết, đến cuối năm 2013, tỉnh đã chuyển 80% số giáo viên mầm non sang viên chức sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết cho phép chuyển hệ thống trường mầm non sang công lập. Sau đợt xét tuyển bổ sung này, có huyện sẽ bảo đảm đủ chỉ tiêu biên chế giao nhưng cũng có những huyện chưa đủ. UBND tỉnh có kế hoạch trong năm 2015 sẽ tổ chức thi tuyển để bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế cho các trường mầm non còn lại trên địa bàn tỉnh. Còn việc đặc cách 216 giáo viên đợt này là qua rà soát, toàn bộ số giáo viên trên đều bảo đảm tiêu chuẩn về bằng cấp, thời gian công tác nên tổ chức xét tuyển đặc cách cho họ đỡ thiệt thòi.

Về việc vì sao đặt ra chỉ tiêu đối với giáo viên học trung cấp là 42 tháng còn học đại học, cao đẳng là 48 tháng, ông Tỏ cho biết, theo quy định, khi được xem xét tuyển chọn, giáo viên phải có thời gian công tác liên tục 3 năm đóng bảo hiểm không kể thời gian tập sự. Trong khi đó, giáo viên học trung cấp chỉ phải tập sự 6 tháng, giáo viên trình độ đại học, cao đẳng tập sự 12 tháng. Cộng với thời gian công tác 3 năm, khi đó giáo viên trình độ trung cấp là 42 tháng, trình độ đại học, cao đẳng là 48 tháng.

Về ý kiến cho rằng chậm trong việc tách các thôn lớn, ông Tỏ cho biết hiện nay UBND tỉnh đã nhận được hồ sơ của 43 khu dân cư đề nghị tách. Tuy nhiên, trong số đó có một số thôn, khu dân cư làm chưa chuẩn về quy trình đề án về xác định ranh giới chưa rõ ràng. Vì vậy Sở nội vụ sẽ tổng hợp và trình tại Kỳ họp HĐND cuối năm.

Về chế độ cho hội đặc thù, hiện nay chúng ta chỉ còn 3 loại hội chưa có chế độ, 6 hội đã có chế độ. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu trình HĐND tỉnh xem xét chế độ đối với các hội còn lại này. Còn phụ cấp cho những người đứng đầu các hội đặc thù phải có từ 50 hội viên trở lên, ông Tỏ cho rằng, nhiều hội có số hội viên đông, hoạt động tích cực hiệu quả thì họ phải có phụ cấp. Trong khi đó, có những hội có vài ba người, gần như không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả thì chưa tính đến việc trả phụ cấp cho người đứng đầu các hội này.

Phải minh bạch quy trình giải quyết công việc

Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, so với năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Hải Dương bị sụt giảm ở nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân là do chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sau khi được cấp phép đầu tư. Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính website của tỉnh và các sở, ngành của tỉnh còn nhiều hạn chế và thiếu chi tiết, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư khi tìm hiểu về quy trình, thủ tục và chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, kê khai thuế, khai hải quan còn kéo dài hơn các tỉnh khác. Việc chỉ đạo giải quyết vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chậm, có vụ việc để kéo dài...



Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương


Ông Đoan đề nghị cần tăng cường hơn nữa tính công khai minh bạch các cơ chế, chính sách của địa phương cũng như biện pháp quản lý điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh càng chi tiết càng tốt. Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp cận ngân sách, ưu đãi đất đai, đào tạo nhân lực và cơ hội việc làm; trình tự thủ tục, công khai giải quyết các vấn đề về phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư. Có giải pháp tích cực trong giải quyết nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản để doanh nghiệp có vốn hoạt động...

Về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến yêu cầu đây là việc phải làm ngay. "Thủ tục làm thế nào, hồ sơ gửi vào đâu, hưởng ưu đãi gì, bao nhiêu ngày được giải quyết. Tất cả đều phải minh bạch. Có thế mới thu hút được đầu tư", đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nói.

Đồng chí Bùi Thanh Quyến yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cấp huyện thiết lập quy trình giải quyết công việc cụ thể. Các quy trình phải được công khai, minh bạch cho mọi người dân biết để họ giám sát. Khi đó, trách nhiệm của đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu. "Tới đây, chúng ta phải làm. Việc này không những tạo sự thông thoáng, minh bạch trong thu hút đầu tư mà còn tạo sức ép cho chính UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, cơ quan thuế, hải quan. Nếu chúng ta làm tốt, khi đó có thể cấp phép đầu tư ngay tại nhà. Chúng ta chưa làm được thì phải học. Luật là luật chung, do đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải được hưởng chung chính sách ưu đãi của nhà nước", đồng chí Bùi Thanh Quyến yêu cầu.

Cuối buổi sáng và đầu giờ chiều 9-7, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

SỸ THẮNG


(0) Bình luận
Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống