Sân khấu đang "mất đất" diễn

15/09/2012 06:46

Tình trạng mòn, xáo, thiếu kịch bản hay, đạo diễn giỏi, vở diễn ấn tượng... là một trong những nguyên nhân khiến khán giả không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật này...


Các diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương miệt mài tập luyện vở diễn mới "Chuông ngân rừng trúc"


Việc công chúng không còn mặn mà với các đêm diễn sân khấu truyền thống như xưa là điều không thể phủ nhận. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh cho biết: "Hiện nay, lượng khán giả đến với loại hình nghệ thuật sân khấu giảm sút nhiều. Có rất nhiều vở diễn từng đoạt giải cao trong các kỳ hội diễn, liên hoan, song rất khó đến được với công chúng, thậm chí có tổ chức biểu diễn cũng không thu hút được khán giả".

Cũng theo ông Đức, có nhiều nguyên nhân như do điều kiện xã hội thay đổi, cường độ và áp lực làm việc tăng khiến quỹ thời gian để dành cho giải trí giảm. Sự mở cửa, hòa nhập cũng khiến sân khấu truyền thống không còn vị trí độc tôn, người ta có cơ hội lựa chọn thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Thông qua in-tơ-nét truyền hình, người ta có thể xem được các chương trình nghệ thuật mà không cần đến các rạp. Sân khấu hiện nay đang phải chia sẻ khán giả với nhiều loại hình giải trí khác...

Thực trạng trên buộc các đơn vị sân khấu phải tự vận động, thay đổi để tìm khán giả. Đối tượng khán giả mà nhiều năm nay Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh hướng tới là nhân dân lao động. Các chương trình sân khấu được dàn dựng cũng đa dạng, kết hợp nhiều loại hình, như: kịch, hài, ca nhạc... Các chương trình biểu diễn của Nhà hát Chèo Hải Dương cũng chọn đối tượng hướng đến là khán giả bình dân. Từ năm 1990 đến nay, đoàn thường tổ chức lưu diễn theo hình thức hợp đồng với các địa phương, các chương trình biểu diễn không còn tổ chức bán vé.

Thực tế hiện nay, nghệ thuật sân khấu chưa được quan tâm thỏa đáng, kinh phí đầu tư hạn hẹp, thiếu cơ sở vật chất cho công tác biểu diễn. Đơn cử như Nhà hát Chèo Hải Dương là một đơn vị mạnh trong làng sân khấu chèo Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng cũng đang rơi vào tình trạng thiếu diễn viên, đặc biệt đội ngũ diễn viên trẻ kế cận do chỉ tiêu biên chế quá ít. Để đào tạo được một nghệ sĩ, nhạc công sân khấu chèo cần có thời gian tập luyện từ 5 năm trở lên. Kinh phí đầu tư cho chuyên môn cũng rất hạn chế, trong khi để dàn dựng được một vở diễn cần khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng. Với các vở diễn lịch sử lại đòi hỏi phục trang diễn viên rất tốn kém. Tỉnh ta cũng chưa có một trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng để công chúng yêu thích sân khấu có cơ hội tới thưởng thức các vở diễn nghệ thuật.

Một nguyên nhân khác khiến nghệ thuật sân khấu "mất đất" chính là  trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả đã được nâng cao, trong khi nghệ thuật sân khấu đang rơi vào tình trạng mòn, xáo, thiếu kịch bản hay, đạo diễn giỏi, vở diễn ấn tượng...

Tại cuộc tọa đàm "Thực trạng sân khấu Hải Dương những năm gần đây" được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 8 vừa qua, các nghệ sĩ Công Bằng, Lê Phúc nhận xét: Hiện nay, phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh ta khá mạnh, song sân khấu không chuyên lại rất yếu. Trong hội diễn cấp huyện, tỉnh rất hiếm các vở diễn hay trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Các vở diễn thể hiện các nội dung khác nhau song vẫn được trình bày theo một lối mòn, nhàm chán, nhạt nhẽo, không hấp dẫn người xem. Nguyên nhân chính là do thiếu kịch bản tốt, thiếu đạo diễn có năng lực. Những "cây đa, cây đề" tuổi đã cao, việc sáng tác chững lại, những tác giả trẻ còn thiếu kinh nghiệm.

Để sân khấu tỉnh nhà có những khởi sắc, cần có sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, các sở, ngành và các địa phương cần bổ sung biên chế cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, có chính sách thu hút nhân tài, xây dựng một trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng để công chúng yêu thích sân khấu có cơ hội tới thưởng thức các vở diễn. Cần đầu tư, hỗ trợ các tác giả để sáng tác những tác phẩm có chất lượng, tạo cơ hội cho các đạo diễn trẻ thể hiện tài năng. Phát triển mạnh mẽ sân khấu không chuyên để sân khấu truyền thống đi vào phục vụ đời sống tinh thần cộng đồng dân cư. Chú trọng tới việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề để có các tác giả, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ giỏi, tâm huyết với nghề. Một việc cần làm khác để sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống được bảo lưu và phát triển là đưa nghệ thuật sân khấu vào giảng dạy trong trường học.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu đang "mất đất" diễn