Nếu như vài năm trước là những tỷ phú Nga, những hoàng thân từ Qatar, UAE thì hiện tại, các thế lực kinh tế Mỹ, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc đang rầm rập đổ xuống lục địa già.
Tỷ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha ăn mừng chức vô địch giải Ngoại hạng Anh cùng câu lạc bộ Leicester
Đông Á - ông chủ mới ở châu ÂuNice đang là hiện tượng thú vị tại châu Âu khi dẫn đầu Ligue 1 sau 11 vòng đấu. Nếu không có dòng tiền của người Trung Quốc, đội bóng ven bờ Địa Trung Hải mãi chỉ cam phận lót đường. Hồi tháng 6 vừa rồi, tỷ phú Chien Lee (Tập đoàn New City Capital) và một số nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại 80% cổ phần của Nice.
Mức lương 4,5 triệu euro/năm trả cho Balotelli - kỷ lục trong lịch sử câu lạc bộ (CLB) dĩ nhiên có sự hậu thuẫn rất lớn của chủ mới. Nhờ đãi ngộ cao, những tên tuổi như Dante, Belhanda và huấn luyện viên Lucien Favre lần lượt cập bến vùng biển xinh đẹp miền Nam nước Pháp.
Những người Trung Quốc hoàn toàn có thể vẽ lại bản đồ bóng đá châu Âu. Tập đoàn Wanda hiện sở hữu 20% cổ phần tại Atletico Madrid (Tây Ban Nha), đã lên kế hoạch thâu tóm toàn bộ đội chủ sân Calderon trong 5 năm tới và hạ bệ 2 gã khổng lồ Real, Barca.
Trong 5 giải vô địch hàng đầu châu lục này, giới chủ Trung Quốc xuất hiện không thiếu giải nào với tổng cộng 7 đội bóng thuộc quyền kiểm soát. Nếu tính cả các hạng đấu thấp hơn, có gần 20 CLB thuộc sở hữu của các tỷ phú đến từ đất nước đông dân nhất thế giới.
Thái Lan cũng đang trở thành một thế lực mới tại bóng đá châu Âu. Leicester của tỷ phú Vichai Srivaddhanaprabha làm nên bất ngờ lớn nhất trong lịch sử Premier League với chức vô địch mùa giải 2015-2016. Chỉ trong 2 năm gần đây, có thêm 2 CLB Anh là Sheffield Wednesday và Reading FC về tay những ông chủ người Đông Nam Á. Cần biết rằng cả hai đội hạng nhất Anh này đều đang có cơ hội lên chơi tại Premier League mùa tới. Tiếng Thái sắp lan tỏa trong các phòng thay đồ xứ sương mù.
Cơn bão chủ ngoại vẫn tiếp tục càn quét châu Âu. Có 28 CLB trong tổng số 98 đội thuộc 5 giải hàng đầu nằm trong tay chủ sở hữu nước ngoài. CLB mới nhất sang tên đổi chủ là Marseille, khi đội bóng giàu truyền thống nước Pháp được tỷ phú Frank Mc Court (Mỹ) mua lại 95% cổ phần với giá 40 triệu euro. Số lượng đội bóng thuộc chủ Mỹ tại 5 giải hàng đầu tăng lên con số 8, nhiều hơn bất kỳ chủ ngoại nào khác.
Không còn là “đồ chơi”Trong cuộc "xâm lăng" của chủ ngoại, châu Âu vẫn còn những vùng cấm. Bundesliga là điển hình với điều luật 50+1 nhằm bảo toàn tính bền vững và giá trị truyền thống của bóng đá Đức. Ở La Liga, 4 CLB Real, Barca, Osasuna và Bilbao sẽ không được bán nếu không có sự đồng thuận của hội viên CLB.
Cuộc chơi của giới chủ ngoại cũng đã thay đổi. Không còn kiểu chơi hời hợt, tùy theo cảm hứng của những tỷ phú xem bóng đá như một thú vui không hơn không kém. Racing Santander và Alaves đã từng huy hoàng trong giây lát trước khi lịm tắt dưới tay tỷ phú người Ukraine - Dimitri Piterman. Monaco của ông chủ người Nga - Dimitri Rybolovlev, chỉ dám vung tiền 1 mùa trước khi quay về đời sống “bình dân”.
Thời điểm hiện tại, hầu hết giới chủ ngoại đều có chiến lược phát triển CLB một cách lâu dài. Thái Lan tấn công bóng đá Anh bằng chiến lược win-win, tức cả hai cùng thắng. Đó là sự hợp tác sâu rộng giữa 2 nền bóng đá, giúp các cầu thủ trẻ Thái Lan có cơ hội được rèn luyện trong môi trường bóng đá Anh qua đó làm đòn bẩy cho nền bóng đá Thái.
Trung Quốc đổ bộ ồ ạt vào bóng đá châu Âu nhờ sự hậu thuẫn to lớn của chính phủ nước này, nhằm phục vụ chính sách ngoại giao và hình ảnh quốc gia. Tương tự với Qatar và UAE, khi 2 quốc gia này chủ trương mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới bằng cách xâm nhập bóng đá châu Âu.
VIỆT HÀ